Đạo Phật của tuổi trẻ là tổng hợp các bài giảng của Sư ông Thích Nhất Hạnh cho Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các khóa tu năm 1997, 1998, và 1999 tại chùa Vạn Hạnh, Cali và tại đạo tràng Thanh Sơn, tiểu bang Vermont. Cuốn sách được tạm chia thành các chương riêng biệt để độc giả tiện theo dõi nên không theo thứ tự thời gian.
Gia đình Phật tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia đình Phật tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia đình Phật tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Gia đình Phật tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Mỗi đoàn sinh của Gia đình Phật tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh.
Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Gia đình Phật tử là để nuôi dưỡng đạo đức của mỗi đoàn sinh từ Oanh vũ cho đến Huynh trưởng. Nuôi dưỡng đạo đức để cải thiện nếp sống gia đình, cải thiện nếp sống học đường và cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta phải có một đường lối giáo dục rõ ràng mới có thể làm được điều đó. Ai cũng biết điều đó, nhưng thực sự thì chúng ta đã và đang làm được gì, nhất là trong khi chúng ta rất lẻ loi, không có sự yểm trợ của học đường, không có sự yểm trợ của gia đình? Làm thế nào để có một thế liên kết giữa Gia đình Phật tử và gia đình huyết thống cũng như giữa Gia đình Phật tử với học đường?
Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng trong lòng đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để mang dinh dưỡng về cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại sinh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi cái cây ngừng lớn là bắt đầu thoái hóa. Vì vậy ta phải làm mọi cách có thể để cho cái cây Gia đình Phật tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị thoái hóa.
Mời bạn đón đọc.