Sách Chuyên Khảo Dùng Cho Sinh Viên Đại Học Và Cao Học
Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường phát triển. Một nền kinh tế phát triển lành mạnh với các kênh cung cấp vốn từ thị trường chứng khoán và ngân hàng đòi hỏi phải được cung cấp các dịch vụ kiểm toán có chất lượng cao.
Trong những năm gần đây, việc khá nhiều công ty bị phá sản, trong đó có những trường hợp là do lỗi của công ty kiểm toán không còn là những vấn đề xa lạ. Các trường hợp điển hình là Enron, WorldCom, Global Crossing, Adelphia Communications, HH Tyco, Vivendi… cùng với rất nhiều công ty có quy mô nhỏ hơn. Sự thất bại của các công ty kiểm toán trong các hợp đồng kiểm toán này đã làm suy giảm đáng kể niềm tin của công chúng vào nghề nghiệp kiểm toán.
Sự thất bại ở các cuộc kiểm toán nêu trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân hết sức quan trọng là không giải quyết được các xung đột lợi ích trong quá trình hành nghề, một vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kiểm toán.
Chính vì vậy, để khôi phục lòng tin của công chúng, vào năm 2001, IFAC cũng như hiệp hội nghề nghiệp kiểm toán ở nhiều quốc gia trên thế giới đã phải sửa đổi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, và đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã có những thay đổi về luật pháp để điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm bảo vệ cho lợi ích của công chúng và nền kinh tế.
Tại Việt Nam, hoạt động kiểm toán tuy vẫn còn non trẻ nhưng đã ngày càng phát triển. Bên cạnh Luật Kế toán và các Nghị định của Chính phủ, từ năm 1999, Bộ Tài chính đã lần lượt ban hành các chuẩn mực kiểm toán. Đến năm 2005, Bộ Tài chính cũng đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán và kiểm toán. Việc xây dựng và ban hành một hệ thống chuẩn mực kiểm toán cùng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đã và đang giúp cho hoạt động kiểm toán ngày càng đi vào nề nếp.
Nhìn chung, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn là một vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì để chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được các thành viên tôn trọng và chấp hành đúng đắn không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy.
Lịch sử phát triển hàng trăm năm của đạo đức nghề nghiệp trên thế giới cho thấy đây là một hệ thống thể chế phức tạp, đòi hỏi cần có sự kết hợp hài hòa giữa kỳ vọng của xã hội, vai trò của nhà nước, nỗ lực của tổ chức nghề nghiệp và ý chí của những người hành nghề.
Quyển sách này bao gồm 6 chương:
Chuơng 1: Tổng quan về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên độc lập.
Chuơng 2: Các quy định đạo đức nghề nghiệp của Hoa Kỳ
Chuơng 3: Các quy định đạo đức nghề nghiệp của Pháp
Chuơng 4: Các quy định đạo đức nghề nghiệp của Liên đoàn Kế toán Quốc tế
Chuơng 5: Các quy định đạo đức nghề nghiệp của Việt Nam
chuơng 6: Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu lực của các quy định đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên độc lập ở Việt Nam
Mời bạn đón đọc.