Phật giáo với cái đích là cứu con người thoát khỏi nỗi khổ muôn đời, với cứu cánh là giải thoát; nhìn bề ngoài, nó chủ yếu bàn về nhân sinh. Nhưng để cho những quan niệm nhân sinh này tồn tại một cách vững chãi, trải dài hơn 2500 năm thì chúng phải dựa trên một cơ sở triết học, một nền tảng lý luận vô cùng sâu sắc. Chính vì vậy mà Phật giáo mang đậm tính chất triết học hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác.
Cuốn sách này chỉ là hệ thống lại những bài nghiên cứu, bài giảng cũng chưa thật đi sâu và toàn diện. Nếu những người đi trước đã xới lên theo hàng ngang thì nay tác giả Nguyễn Hùng Hậu lại xới lên theo hàng dọc, theo lát cắt: thế giới quan, nhân sinh quan. Thực ra hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Việc tách rời này, phần nào đã làm thô thiển hóa, đơn giản hóa, tách rời, cô lập Phật giáo. Nhưng nếu không làm như vậy thì khoa học nói chung và Phật học nói riêng lại không thể tiến lên phía trước được. Đó cũng là mâu thuẫn của bản thân quá trình tiếp cận đến chân lý. Nhưng dù phiến diện, tách rời nhưng cũng mong giới thiệu đến bạn đọc một cách tiếp cận, một cách nhìn đối với Phật giáo Việt Nam.