Dã tràng xe cát: Con dã tràng nào mà không xe cát?
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, với khoảng 90 tiểu thuyết, James Hadley chase (1906-1985) hầu như chỉ muốn nói lên điều đó. Truyện nào của ông cũng có một nhân vật chính muốn làm giàu nhanh bằng cách phạm tội ác – lừa gạt, cướp bóc hay ăn trộm. Nhưng kế hoạch của họ luôn thất bại, phải giết người để gỡ bí, và càng bí thêm. Nhân vật chính và cả người phụ nữ bạn tình của anh ta, đều thấy rằng mình không còn lối thoát.
Không giống các truyện hình sự khác, bạn đọc chẳng bao giờ phải mất công dự đoán thủ phạm là ai. Trong truyện của Chase, thủ phạm lộ mặt ngay từ đầu, và nghệ thuật của ông nằm ở chỗ, bạn đọc phải luôn thắc thỏm "rồi chuyện sẽ ra sao?" và quan trọng hơn, bạn đọc thường đồng cảm với thủ phạm, thay vì hả hê khi thấy hắn bị lột mặt nạ và bị xử lý trước pháp luật. Đó chính là tinh thần nhân bản của tác phẩm.
Một điều bạn cũng cần biết: Chase là người Anh, chỉ du lịch Mỹ hai ba lần ngằn ngủi, nhưng bối cảnh truyện của ông lại là nước Mỹ, và ông viết dựa trên bách khoa tự điển, bản đồ du lịch chi tiết, du ký nước Mỹ, sách về thế giới ngầm, tự điển tiếng lóng Mỹ… và phần còn lại là tài năng hư cấu.
Harry Griffin trong Dã tràng Xe Cát này cũng vậy: anh đã yêu, ước mơ kiếm được tiền để đem lại hạnh phúc cho người tình, và cướp bóc để đạt mục đích. Rồi mọi chuyện vỡ lở, anh phải giết người để tìm lối thoát, nhưng cũng không xong. Bạn tình chết, anh tra tay vào còng và chui vào xe cảnh sát. Điều an ủi duy nhất của anh là "Tôi không giết cô ấy. Tôi yêu cô ấy" dù anh biết rõ không một ai, từ cảnh sát tới bồi thẩm đoán, tin lời mình…
Mời bạn đón đọc.