Vài tuần sau đó, cô con gái 14 tuổi của bạn từ trường trở về nhà trong nước mắt, và thú nhận rằng cô bé bị một vài bạn gái bắt nạt. Chúng réo tên, nói kháy và ra dấu lờ đi khi cô bé nói chuyện.
Bạn sẽ trao đổi với con rằng con cần phân loại các bạn để chơi? Hay ôm con vào lòng thật chặt và hứa rằng chuyện đó không xảy ra?
Nếu trong cả hai tình huống trên bạn đều lựa chọn giải pháp thứ hai, thì bạn là mẫu cha mẹ hiện đại điển hình: yêu con, bảo vệ con và tham gia sâu vào cuộc sống của đứa trẻ. Và theo một nghiên cứu mới nhất, bạn cũng đang làm tất cả những điều đó một cách sai lầm – dù là vì những lý do chính đáng nhất.
Trên DailyMail, các tác giả nghiên cứu này lập luận: Nếu các bậc cha mẹ liên tục nói với con rằng chúng "giỏi giang, thông minh", chúng sẽ trở nên lo lắng với những ý nghĩ thất bại.
"Cú sốc dưỡng dục" là một cuốn sách đột phá mới, châm ngòi cho cuộc tranh cãi dữ dội tại Mỹ bằng cách phủ nhận rất nhiều kinh nghiệm cơ bản nuôi dạy con truyền thống.
Trọng tâm của cuốn sách là một trong những câu hỏi cơ bản nhất của thời đại chúng ta: Tại sao, sau hàng thập kỷ được chăm sóc bởi nền giáo dục và các bậc cha mẹ tiến hộ, xã hội lại nảy sinh rất nhiều vấn đề với trẻ em và thanh thiếu niên.
Dựa trên một khảo sát quy mô đối với các nghiên cứu khoa học gần đây nhất, các tác giả – Po Bronson và Ashley Merryman – khẳng định hầu hết những điều chúng ta nghĩ để trở thành cha mẹ tốt thực ra lại sai lầm.
Họ lập luận rằng nhiều chiến lược nuôi dạy con của chúng ta đang đem lại kết quả ngược với mong muốn, bởi chúng ta không thực sự hiểu về cách mà trẻ con suy nghĩ và phát triển.
Mặc dù không khuyến khích các bậc cha mẹ mỉa mai hay ép buộc con, song hai nhà nghiên cứu cho rằng những kiểu cha mẹ quá ít chỉ trích hay kỷ luật con thì về lâu dài sẽ làm hư đứa trẻ.
Một trong những thất bại lớn nhất của kiểu cha mẹ hiện đại – theo các tác giả – là cố truyền cho trẻ lòng tự tôn bằng mọi giá. Chúng ta đang nuôi các con lớn lên một cách cẩu thả. Một bức vẽ đơn giản của trẻ cũng được xem "tuyệt vời", trẻ làm được vài bài tập về nhà cũng sẽ nhận được lời khen "con thật thông minh".
Bằng cách ấy, chúng ta tạo ra "tâm lý ngôi sao", khi mà trẻ con được nhận phần thưởng cho hành vi tốt. Trẻ cũng được cha mẹ bao bọc để tránh xa cảm giác thất bại.
Lý thuyết nuôi con lâu nay cho rằng việc xây dựng lòng tự tin và tự tôn như vậy sẽ góp phần mang lại hạnh phúc, cuộc sống thành công hơn và nhiều mối quan hệ hơn trong cuộc đời đứa trẻ về sau.
Nhưng nghiên cứu mới của tiến sĩ Carol Dweck tại Đại học Colombia, người đã tìm hiểu các nhóm trẻ trong hơn 10 năm qua, chỉ ra rằng điều ngược lại mới đúng. Nghiên cứu cho thấy chúng ta đang tạo ra một thế hệ những đứa trẻ hỗn xược và những tên nghiện xì ke được tuyên dương, những người không thể thích nghi với các khó khăn và thất bại thường tình trong cuộc sống thường ngày.
Chẳng hạn, khi thường xuyên khẳng định con thông minh, cha mẹ nghĩ rằng mình đang ủng hộ và động viên đứa trẻ, trong khi thực tế họ đang khoác cho đứa trẻ kỳ vọng quá lớn.
"Thông minh" trở thành một danh hiệu đứa trẻ phải bảo vệ nếu muốn làm cha mẹ hài lòng. Nó trở nên lo lắng với suy nghĩ về sự thất bại và sẽ chỉ nỗ lực làm những việc "dễ dàng" – những thứ mà chúng biết có thể thành công, chứ không thất bại, cốt để được cha mẹ khen ngợi.
Nhưng nếu chúng ta ca ngợi nỗ lực của con, nói với chúng sau một bài kiểm tra "Con chắc đã phải rất cố gắng trong bài thi này", trẻ sẽ được ca ngợi về điều mà chúng thực làm. Và điều đó sẽ thúc đẩy trẻ cố gắng làm tốt hơn nữa.
"Để việc khích lệ hiệu quả, lời ca ngợi phải cụ thể và xác thực, nghĩa là trẻ phải thực sự đạt được điều gì đó", nhóm nghiên cứu cho biết.
Khi một đứa trẻ làm hỏng việc gì đó, hoặc có sự xuống dốc trong học tập, chúng ta thường an ủi "không sao đâu", để trẻ biết rằng cha mẹ yêu chúng dù cho chúng có thế nào đi nữa. Nhưng đó không phải là cách mà lũ trẻ hiểu. Trẻ sẽ hiểu rằng thất bại đó có vấn đề, bởi cha mẹ thường tỏ ra hạnh phúc và phấn khích khi trẻ làm tốt.
Và bằng việc giả vờ như không có gì xảy ra, chúng ta sẽ không cho trẻ cái mà trẻ thực cần – những công cụ giúp trẻ kiểm soát nỗi thất vọng và làm tốt hơn trong lần sau.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy lòng tự tôn cao có bất cứ ảnh hưởng nào đến việc cải thiện kết quả học tập, hoặc giảm thiểu những hành vi xấu.
Thực tế, những đứa trẻ được bao bọc quá mức thường không hài lòng với người khác, và là những kẻ tồi trong nhóm chơi. Mục tiêu của chúng sẽ là duy trì hình ảnh đẹp của mình, và chúng sẽ làm bất cứ việc gì có thể – kể cả chỉ trích và xua đuổi người khác – nhằm biến mình trông tốt đẹp hơn.
Những giải thích trên không có nghĩa là cha mẹ cả đời không bao giờ nên tán dương trẻ. Nhưng để có hiệu quả, lời ca ngợi đó phải cụ thể và sát thực. Và sự ca ngợi cũng phải cân bằng với việc phê bình có tính xây dựng một cách cẩn thận.
Nghiên cứu cũng cho thấy những teen có xung đột với cha mẹ ở mức độ vừa phải thì nói chung có quan hệ tốt hơn với cha mẹ, nói dối ít hơn, và tự điều chỉnh mình tốt hơn.
Nhiều phát hiện trong cuốn "Cú sốc dưỡng dục" không phải là thứ mà cha mẹ hy vọng hoặc muốn nghe, nhưng chúng ta phải nghe. Các tác giả – những người thừa nhận họ cũng làm cha mẹ và đã thực hiện tất cả những sai lầm này – tin rằng chúng ta, một cách đơn giản, đã trở nên xa lạ với các con mình.
Chúng ta cần nằm trở lại quyền uy cha mẹ, ngừng việc "làm bạn" với con, và xem xét lại những điều mà trước đây chúng ta cho rằng tốt với chúng.
Thuận An
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn