Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm vĩ đại bậc nhất của nền văn học Ả Rập, là một trong những công trình sáng tạo phong phú và hoàn mỹ của nền văn học thế giới.
Đề tựa bản dịch tiếng Nga xuất bản năm 1929 ở Lêningrát, Macxim Gorki viết: “Trong số các di tích tuyệt diệu của sáng tác truyền khẩu dân gian, các truyện cổ tích của nàng Sêhêrazát là di tích đồ sộ nhất”.
Những truyện cổ tích này thể hiện với mức hoàn hảo kỳ diệu, xu hướng của nhân dân lao động muốn buông mình theo phép nhiệm màu của những ảo giác êm đẹp, theo sự kết hợp phóng khoáng của từ ngữ thể hiện sức mạnh vũ bão của trí tưởng tượng hoa mỹ của các dân tộc phương Đông – người Ả Rập, người Ba Tư, người Ấn Độ.
Công trình dệt gấm bằng từ ngữ này xuất hiện từ thời tối cổ, những sợi tơ muôn màu của nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng.
Truyện mở đầu tất cả các truyện, giải thích lý do ra đời của tất cả các truyện, cái khâu đầu tiên của sợi dây chuyền vàng xuyên qua mọi tình tiết, liên kết chúng lại thành một chuỗi ngọc tuyệt tác muôn vẻ muôn màu rồi vòng trở lại để làm thành đoạn kết thúc, là chuyện của một người con gái.
Cứ thế, truyện này nối tiếp truyện kia, truyện sau lồng vào truyện trước. Truyện này chưa hết truyện khác đã bắt đầu dường như vô tận. Trước mắt chúng ta, hiện lên không biết bao nhiêu là nhân vật: từ hoàng đế, tể tướng, hoàng tử, vương tôn, nhà hiền triết, bậc tu hành, quan coi ngục, viên hoạn nô cho đến tên cướp biển, lão chủ nô, mụ mối, đứa du thủ du thực, lão lái buôn, bác phó cạo, anh thợ may, người vác thuê, nhà hàng thịt, cô hầu gái, chú tiều phu… Và phúc thần và phù thủy và ma quỷ và tiên nương… Khi là cảnh cung đình rực rỡ đèn hoa, lộng lẫy ngọc ngà châu báu, khi là cảnh dạt tàu cướp miếng ăn của ma mà sống. Lúc chuyện xảy ra trong thế giới thần tiên, lúc ở nơi đầu đường xó chợ. Về tôn giáo, có những người theo đạo Hồi, có những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, lại có những người thờ thần Lửa… Về không gian, các chuyện xảy ra ở những nơi ngày nay được ghi trên bản đồ là Ấn Độ và Sơri Lanca, Liên Xô và Trung Quốc, Gióocđani và Iran và trước hết là Tây Á và Bắc Phi với Ai Cập, Irắc, Xyri… Tóm lại, khung cảnh rất rộng lớn, chủ đề thật đa dạng, tình tiết hết sức bất ngờ, ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhân vật rất thực và cũng rất hư. Quả khó có cách nào diễn tả cho gãy gọn nếu ta không trở lại mượn hình tượng Gorki đã dùng: “những sợi tơ muôn màu lan khắp bốn phương một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng phủ trên mặt đất”.
Mời bạn đón đọc.