Nhà văn Bình Nguyên Lộc có một mảng sáng tác lớn về đề tài tâm linh. Các truyện ngắn của ông thường bắt đầu bằng những chi tiết kỳ lạ mang yếu tố phi phàm, nhưng rồi rốt lại ông sẽ lý giải các hiện tượng có vẻ ma quái đó bằng cái nhìn khoa học. Cho nên đọc những truyện mang màu sắc liêu trai của ông, người đọc thường chỉ thấy hấp dẫn mà không sợ hãi. Đối với tiểu thuyết Cõi âm nơi quán Cây Dương, ông lại đi theo một hướng khác – liêu trai đến tận cùng, với nhân vật là chàng thanh niên trẻ yêu một hồn ma, mà anh ta tưởng đó là cô gái thật. Đêm đêm khi cô gái bí mật xuất hiện với tư cách là một nữ thám tử đã biết rõ tung tích của chàng (chàng trốn gia đình từ Sài Gòn lên Thủ Đức làm việc nơi quán Cây Dương) thì giữa họ đã nảy nở tình yêu. Cho đến một ngày chàng vỡ lẽ ra nàng chỉ là một hồn ma, thì tình cảm đã trở nên sâu đậm. Nhưng vì hai thế giới âm dương có nhiều cách trở, cuối cùng cô gái kia đành phải xa lìa, và cậu chàng đã trở lại cuộc sống bình thường.
Đây là tiểu thuyết tâm lý tình cảm có những tình tiết kỳ dị, lôi cuốn; người đọc khó rời trang sách, và nếu vì bận việc mà phải tạm gác lại việc đọc thì nỗi hiếu kỳ về số phận mối tình kỳ lạ ấy sẽ khiến họ sớm quay lại… đọc tiếp. Cõi âm nơi quán Cây Dương còn là cuộc khảo sát tâm lý của một người đang yêu – người ta có thể mù quáng, quên hết mọi thứ, kể cả không ý thức được rằng tính mạng mình đang bị đe doạ, điều đó nhiều khi không phải là tốt, như trường hợp của nhân vật N. trong tác phẩm này. Nó cũng cho thấy tình yêu, trong mọi cảnh ngộ, đều vô cùng mạnh mẽ, bất chấp mọi chướng ngại, lực trường của nó thậm chí xuyên qua các cõi âm dương, và điều này lại giúp củng cố thêm một niềm tin rằng: sự luyến ái vốn là đặc tính của con người, giúp họ tồn tại, nhưng cũng khiến họ khó bề được giải thoát.
Truyện dài Cõi âm nơi quán Cây Dương, xuất bản lần đầu vào năm 1972, Nhà xuất bản Mây Hồng.