Trong những năm gần đây, ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều những hoạt động văn hoá. Nhu cầu thực hiện xác định việc nâng cao tầm nhìn, tầm hiểu biết về văn hoá là có thực. Trong nhiều trường hợp, văn hoá được đề cập như một lĩnh vực khoa học thực tiễn, vì một lẽ hiển nhiên là đất nước ta đang ở vào giai đoạn phát triển cùng lúc những tiềm năng kinh tế, tiềm năng văn hoá, tiềm năng du lịch… Các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng khoa học xã hội,… đòi hỏi con người trong xã hội hiện đại phải có kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà trong đó, văn hoá có vai trò quan trọng. Văn hoá vừa là động lực, vừa là hệ quả quá trình “sống” của con người trong lịch sử dân tộc. Sự hiểu biết về văn hoá dân tộc và lối sống văn hoá sẽ giúp con người điều chỉnh chính mình cùng với sự phát triển của xã hội.
Trong nhiều hoạt động giao tiếp của xã hội, trong các cuộc hội nghị, trên các phương diện thông tin đại chúng… người ta đề cập rất nhiều đến những hoạt động ứng xử, hành vi văn hoá. Trong những trường hợp như vậy, thuật ngữ văn hoá được sử dụng thường xuyên, quen thuộc. Tuy nhiên, nếu hỏi văn hoá là gì, không dễ tránh khỏi có ý kiến tương đồng và bất đồng.
Nếu như chúng ta chấp nhận văn hoá “là tất cả những gì do con người sáng tạo ra” trong quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội thì cũng có nghĩa là chúng ta nhìn nhận mọi vấn đề liên quan đến con người đều là những biểu hiện của văn hoá.
Phạm vi “biểu hiện” của văn hoá là rất rộng lớn, do đó, đi tìm một cách hiểu đúng và đầy đủ về văn hoá, thật khộng phải dễ dàng. Thực tế đã có đến hàng trăm định nghĩa về văn hoá trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, hầu như không có một khái niệm nào rất phổ biến mà lại khó xác định như khái niệm văn hoá. Tuỳ theo cách xác định đối tượng và phương pháp tiếp cận mà người ta chấp nhận hay không chấp nhận một cách hiểu khái niệm văn hoá, hoặc chấp nhận định nghĩa về văn hoá.
Hiểu khái niệm văn hoá đã phức tạp, việc xác định các giới hạn của khái nhiệm này để triển khai khi viết giáo trình văn hoá càng hết sức phức tạp. Tuy nhiên, không phải là không có những điểm thống nhất trong giới nghiên cứu.
Khi đề cập đến những vấn đề thuộc về văn hoá, xu hướng chung hiện nay, người ta thường quan tâm nhiều đến những hoạt động “bề nổi” của văn hoá như văn hoá lễ hội, văn háo ẩm thực, văn hoá giao tiếp, văn hoá ứng xử, văn hoá du lịch… có nhiều nguyên nhân mà trong quá trình giao lưu, tiếp xúc, văn hoá truyền thống Việt Nam có những biến đổi theo chiều hướng vận động nội tại: giữ gìn, bảo vệ những cái gì tốt đẹp, được nhân dân chắt chiu, gìn giữ và tiếp nhận có chọn lọc, có định hướng những cái được xem là có tính tích cực để phát triển theo kịp với thời đại.
Mục lục:
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Chương 1: Văn hoá – những khái niệm cơ bản
Chương 2: Nền tảng văn hoá Việt Nam
Chương 3: Tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam
Chương 4: Đặc trưng di sản văn hoá Việt Nam
Chương 5: Các vùng văn hoá Việt Nam
Phụ lục
Mời bạn đón đọc.