Cơ May Thứ Hai:
“…Cuốn tiểu thuyết “Cơ May Thứ Hai” ra đời. Chủ đề vẫn là cuộc đại chiến thứ hai, nhưng ở vào giai đoạn ác liệt nhất, giai đoạn điểm đỉnh chuẩn bị kết thúc. Một bức tranh toàn cảnh châu Âu với những cảnh tàn phá khủng khiếp, những nhà giam, những trại tập trung, những cái chết chóc, phân tán, chia ly, những nghi kỵ, âm mưu, những sự thủ tiêu, những sự phản bội….Đặc biệt nổi bật lên ở cuốn tiểu thuyết này là cái cảnh tầng tầng lớp lớp những người dân các nước có chiến tranh đi qua, phần lớn là những trí thức, bỏ cửa nhà, làng mạc quê hương ra đi, đi rất xa, sang những nước ở bên kia Đại Tây Dương: một cuộc di tản ở quy mô có lẽ lớn nhất trong lịch sử. Lúc này, Đồng Minh là kẻ chiến thắng, tất nhiên có những tổ chức cho phong trào, nhưng chu đáo và kịp thời sao nổi cho hàng triệu người thuộc nhiều thành phần, nhiều nước, cùng muốn được ra đi cùng một lúc? Ở đây, tác giả lại có dịp để tố cáo cái văn minh phi nhân tính hoá của phương Tây, cái “văn minh kỹ thuật” đo phẩm giá con người bằng chiều cao tính bằng centimét (!) và bằng mức dày hay thưa của hàm răng làm tiêu chuẩn tuyệt đối để chấp nhận hay không chấp nhận nhập cư, và làm những công việc lao động bình thường vụn vặt nhất.
Và cái hình ảnh cuối cùng của cuốn sách đọng lại trong sâu thẳm của nhận thức con tim của mọi người, là cái chết của ba nhân vật Kostaky, Pillat và Magdalena. Kostaky di tản sang Canada. Ông xin được việc làm, nhưng điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, huỷ hoại hết cả khả năng sức lực của ông. Ông phải tìm cách rời bỏ Canada tìm một nơi nương thân khác. Nhưng luật lệ của người chiến thắng lúc bây giờ là thế này: Canada là một nước dân chủ, rời bỏ Canada mà đi tức là chống lại chế độ dân chủ, có nghĩa là thù địch với phe Đồng Minh, là người của “bên kia” (sự đồng minh giữa Tây và Đông hình thành trong chiến tranh bắt đầu “hết tác dụng” sau ngày chiến thắng, “bên kia” tức là Đông Âu dưới ảnh hưởng trực tiếp của Liên Xô (cũ)). Kostaky lại phải vượt bao gian nguy, lẫn trốn, đi qua địa phận của các nước thuộc khu ảnh hưởng của Mỹ và Đồng Minh phương Tây, về đến được Rumani lúc này đang bị quân đội Liên Xô (cũ) đóng, nhân dân sợ hãi, bỏ làng xóm trốn lên rừng, lên núi cao. Kostaky nhập vào những người dân quê trốn tránh này, và trở thành như vị thủ lĩnh của họ. Người ta gọi vị Thủ Lĩnh cô danh đó là: “người Nông dân” hoặc là “tướng cướp tay không”, bởi ông có vũ khí gì đâu, những người dân lành kia cũng đều tay không. Cái vũ khí duy nhất của Kostaky là một cây sáo và điệu hát Doina của vùng quê hương. Cảnh sát Liên Xô (cũ) mở bao nhiêu cuộc tấn công truy quét những con người không ở lại làng ấy, không thành, phải rút lui, nhường chỗ cho đạo quân càn quét hiện đại của “chính phủ Toàn cầu”. Kostaky chết trong một cuộc càn quét đại quy mô đó, mình mặc chiếc áo khoác Canada, đồi đội chiếc calô Mỹ, mặc quần Anh, và đi đôi giày xăng-đa Đức, hai tay còn ôm chặt chiếc sáo Rumani, chiếc sáo hiền lành chỉ cất lên điệu Doina dịu ngọt mà phải huy động đến hàng ngàn người, với hàng chục xe tăng, đại bác, trực thăng đổ bộ xuống từ trên đỉnh núi cao, mới dập tắt nổi!….”
Mời bạn đón đọc.