Cỏ Hồi Sinh:
“Cỏ hồi sinh” là tập cuối của tiểu thuyết bộ ba về Pan. Câu chuyện hơi khác thường nhưng đơn giản. Ở một làng nọ, do thiên nhiên khắc nghiệt, mọi người bỏ đi hết. Một nông dân trẻ ở lại. Anh không thể rời xa mảnh đất mà mẹ anh đã gắn bó vô cùng. Tiếp thu được nghị lực và tình yêu quê hương của các bậc cao tuổi, anh quyết chí làm lại từ đầu với người vợ trẻ là một cô gái lang thang, vợ hờ của một ông già làm nghề mài dao kéo nay đây mai đó trên thảo nguyên. Nghị lực ấy và tình yêu ấy đã giúp anh thành công. Anh đã lại cấy trồng tươi tốt ở nơi tưởng chừng phải bỏ mặc cho cỏ hoang và gió mạnh. Những người khác bắt đầu đến với anh, cùng xây dựng lại một ngôi làng hoang phế. Cuộc sống đang hồi sinh ở mảnh đất tưởng phải chết mãi mãi. Anh trở thành một cây cột cái của ngôi nhà hạnh phúc tương lai của cả một vùng.
Đầy âm hưởng truyện cổ, nhân vật “chân quê” và “chất phát”, ngôn ngữ cô đọng và dân gian, “Cỏ hồi sinh” ca ngợi cuộc sống tự nhiên, điền viên, trên nền tảng sản xuất tự cung tự cấp. Đấy không hẳn kêu gọi quay về cuộc sống nguyên thuỷ, mà như một ước mơ rằng quan hệ kinh tế giữa người và người nên chỉ là những trao đổi tối cần cho việc duy trì cuộc sống, còn cốt lõi của cõi đời phải là tình yêu và tình thân ái. Chính vì vậy, “Cỏ hồi sinh” ngày càng được đánh giá cao.
“Bao giờ cũng vậy, cứ vào giữa trưa là người đưa thư ở Banon đi qua Vacères.
Dù ông cố ý lần chần ở Manosque trong những ngày mà công việc đòi hỏi nhiều thời gian hơn, lúc ông đến Vachères bao giờ cũng đã là giữa trưa.
Ông luôn đúng giờ.
Thực ra, quả là rầy rà khi hôm nào ông cũng đến đây vào lúc ấy.
Ông lão Michel điều khiển một chiếc xe ngựa cà khổ. Một lần, ông đã thử dùng ở ngã ba Revest-des-Brousses và tán gẫu một chầu với bà Panette Chabassut, chủ hiệu cà-phê xoàng Deuxsnger (Hai con khỉ), rồi mới thong dong, thẳng tiến. Vẫn chẳng thay đổi được gì. Ông từng bao lâu muốn nhìn….. và cuối cùng ông đã nhìn thấy!…..
Ngay sau chỗ ngoặt “nhà thương”, đã thấy nhô lên khỏi các cánh rừng cái gác chuông màu xanh lơ nom như một bông hoa, và loáng cái, đã nghe rung lên tiếng chuông cầu kinh Đức Bà phát ra từ đấy.
– Cha cha, vẫn còn là giữa trưa – Michel nói, rồi nghiêng về phía sau thùng xe:
– Bên trong có nghe thấy không? Vẫn là giữa trưa. Đành chịu vậy.
Làm sao khác được, người trên xe lôi cái giỏ dưới gầm ghế ngồi ra và ăn.
Người ta vỗ vào cửa kính:
– Michel, ông chén món xúc-xích này nhớ?
– Trứng nữa chứ?
– Pho-mát này há?
– Đừng ngại, ông ạ.
Không nên làm mếch lòng bất kì ai. Michel mở cửa và nhận tất tật những thứ người ta đưa cho mình.
– Khoan, khoan, còn tay nào mà cầm.
Ông đặt tất cả xuống ghế, bên cạnh mình.
– Cho tôi mẩu bánh. Ừm,…. Giá ai có một chai….”
Mời bạn đón đọc.