Cọ hoang (The Wild Palms) là tác phẩm văn học được xuất bản năm 1939 của nhà văn Mỹ được trao giải Nobel – William Faulkner. Trong cuốn sách này, tác giả mang đến cho người đọc hai câu chuyện riêng rẽ về mặt văn bản nhưng về nội dung, chúng lại có sự bổ trợ, soi rọi lẫn nhau một cách kín đáo và tinh tế.
Câu chuyện thứ nhất, “Cọ hoang”, kể về cặp tình nhân Wilbourne và Charlotte. Vào sinh nhật lần thứ hai mươi bảy, khi chỉ còn hai tháng nữa là hoàn thành chương trình thực tập của bác sĩ nội trú, Wilbourne gặp Charlotte, một phụ nữ đã có chồng con, tại bữa tiệc mà anh được mời theo kiểu “bắc cầu” ở New Orleans và hai người bị cuốn vào một cuộc tình bất chính, mà theo như Wilbourne nghĩ thì “đó chẳng phải vì lý tưởng đầy đam mê của hai kẻ bị nguyền rủa, đầy đọa, bị thế giới và Thượng Đế xa lánh đã lôi cuốn họ mà vì ý niệm về tình yêu bất chính là một thách thức đối với họ, bởi họ có một niềm khao khát không thể cưỡng lại được (và một niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng họ có thể vượt qua thách thức ấy, giống như ai đó tin rằng mình có thể quản lý một nhà trọ vậy), niềm khao khát chấp nhận tình yêu bất chính và biến nó thành tình yêu chân chính”. Cuộc trốn chạy khỏi người chồng của Charlotte cũng như dư luận và quan niệm xã hội để đến bất cứ đâu, miễn sao chỉ có hai người với nhau, đã khiến họ phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống. Wilbourne không thể tìm được việc làm ổn định, thậm chí có lúc phải viết những mẩu chuyện rẻ tiền đăng báo để kiếm tiền. Charlotte với việc nặn tượng được chăng hay chớ của mình cũng không thể lo được cho cuộc sống của cả hai. Trong cuộc trôi dạt vì ái tình, họ đến một mỏ quặng ở Utar giữa mùa đông lạnh giá và tại đó, Charlotte đã mang thai. Không đủ khả năng tài chính để nuôi con, Charlotte đã thuyết phục Wilbourn nạo thai cho mình và việc ấy đã dẫn đến cái chết của cô sau đó. Bị kết án ngộ sát, Wilbourne phải chịu án không dưới năm mươi năm tù. Tuy nhiên, anh cũng từ chối giải thoát bản thân khỏi sự đau khổ bằng những viên thuốc độc từ chồng của Charlotte vì cho rằng chừng nào anh còn sống, ký ức về cô sẽ mãi được lưu giữ. Giữa trống rỗng và khổ đau, anh đã chọn khổ đau. Xét về độ mãnh liệt và sự nghiệt ngã của câu chuyện này, có độc giả đã so sánh nó với chuyện tình Romeo và Juliet. Cũng có người cho rằng nếu Hemingways viết Giã từ vũ khí, thì W. Faulkner đã viết nên câu chuyện Giã từ tình yêu của Wilbourne và Charlotte.
Ngược thời gian trở về với trận lụt xảy ra vào tháng Năm năm 1927, William Faulkner đã kể câu chuyện thứ hai được đặt tên là “Ông già”, cũng là tên của dòng sông Mississippi. Sông Mississippi trong trận lụt lịch sử ấy là nơi một tù nhân phạm tội trộm cướp trên tàu hỏa bị quăng quật khi được sai đi cứu những người dân bị mắc kẹt trong lũ. Và anh ta đã cứu sống được một người đàn bà đang mang thai. Trên chiếc thuyền ọp ẹp khi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về sông nước, tù nhân ấy đã phải nếm đủ mùi khổ cực cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước dòng lũ xiết với trách nhiệm về hai mạng sống, anh ta chỉ có một mong muốn duy nhất là chèo thuyền đến được một nơi nào đó (bất cứ nơi nào) khô ráo để có thể giao người đàn bà cho ai đấy rồi tìm đường trở về trại tù và tiếp tục thụ án cho đến khi mãn hạn. Vậy nhưng cả thiên nhiên cuồng nộ lẫn con người bất công đã từ chối mong muốn đó. Vật lộn trong cơn lũ với “hệ thống cơ bắp phải làm việc liên tục trong nhiều giờ liền không tuân theo ý chí mà tuân theo sự suy hao vượt trên cả sự kiệt sức đơn thuần, gần như mê dại, như bị thôi miên, tiếp tục hoạt động dễ hơn là dừng lại”, anh ta mới tìm được một gò đất thì lại phải một mình xoay xở với cuộc sinh nở của người đàn bà. Cuối cùng khi đưa được người đàn bà và chiếc thuyền về giao cho cảnh sát, anh ta phải lĩnh thêm mười năm tù nữa. “Được thôi, nếu đó là luật”, anh ta chấp nhận, như đã từng chấp nhận mọi sự đày ải mà số phận và cuộc đời trút lên mình.
Với hai câu chuyện đều là bi kịch, Faulkner đã rất tài tình và độc đáo trong cách diễn tả tâm lý căng thẳng, phức tạp lẫn giằng xé của nhân vật cũng như sự biến động gây choáng váng của ngoại cảnh. Đặc biệt với những nhân vật chính là tù nhân, kẻ ngoại tình, tác giả đã hướng người đọc đến với cái nhìn khách quan, nhân văn hơn là thành kiến và ghét bỏ, bởi những con người được xã hội coi là tội lỗi ấy đã giúp chúng ta hiểu hơn về sự phức tạp của cuộc sống, về bản chất của con người, nhất là khi do lựa chọn hoặc bất đắc dĩ, con người phải đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa căm ghét và tha thứ, giữa trống rỗng và khổ đau. Cọ hoang thực sự là một kiệt tác văn chương hàng đầu xét trên nhiều khía cạnh.
Mời bạn đón đọc.
Tác giả đoạt giải Nobel thể hiện cái nhìn công bằng, nhân văn trong ‘Cọ hoang’ – tác phẩm được xem là kiệt tác văn chương xét trên nhiều khía cạnh.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn