Chúng ta đã đi qua thời phong kiến, nên việc xã hội còn chuyện hôn nhân sắp đặt là rất hiếm. Và, từ đây, tôi tin rằng, nền tảng của hạnh phúc gia đình đa phần đều bắt nguồn từ tình yêu. Có thể, trong cộng đồng xã hội vẫn có những trường hợp hôn nhân không thật sự là do mong muốn từ hai phía mà còn vì nhiều lý do khác nữa, ví như để trả ơn hoặc có thể vì vật chất, nhưng số này không quá nhiều. Và, cho dù có vì bất kỳ lý do gì, thì cuối cùng, sau hôn nhân, họ cũng đã tạo nên một gia đình. Thế nhưng, tại sao trong thời gian gần đây, tỷ lệ ly hôn lại quá cao? Tính trung bình theo khảo sát mới đây, tại Việt Nam, trong ba cặp kết hôn sẽ có một cặp ly hôn. Có phải trường hợp nào cũng đáng để dẫn đến kết cục chia ly? Tôi hoàn toàn không cổ vũ cho chuyện những người phụ nữ bị bạo hành âm thầm chịu đựng. Tôi tin rằng, có những trường hợp, ly hôn là sự giải thoát cho ít nhất một phía, dẫu có thể gây đau khổ cho những đứa trẻ, nhưng sẽ tốt hơn việc cố giữ một gia đình không thể có hạnh phúc trọn vẹn thực sự, đúng nghĩa. Nhưng, tôi cũng biết rằng, có những trường hợp không đến mức phải tan vỡ, chỉ vì bản ngã của chúng ta lớn, chỉ vì chúng ta quá đề cao cái tôi của mình nên lãng quên luôn giá trị gia đình. Chẳng hạn, có những cặp vợ chồng ly hôn không vì điều gì to tát cả, thậm chí có khi chỉ là những chuyện rất nhỏ nhặt – nhỏ nhặt đến mức tôi nghĩ không đáng để tranh cãi chứ đừng nói là đưa nhau ra tòa. Có quá nhiều cặp chia tay nhau chỉ vì một lỗi lầm nào đó còn có thể sửa chữa nếu được tha thứ, nếu biết quay đầu. Nghĩa là, một trong hai phía trong gia đình không nghĩ đến khái niệm tha thứ, hoặc tệ hại hơn nữa, có những trường hợp đánh cược cuộc hôn nhân của mình chỉ vì một phút nóng giận… Điều đó có đáng hay không? Những gì tôi chia sẻ ở đây, không phải chỉ dành cho phật tử, kể cả những ai chưa có duyên học Phật cũng nên nhìn lại mình hằng ngày trong cuộc sống, ngẫm về giá trị thật của hạnh phúc, của gia đình. Chưa tan vỡ thì đừng để tan vỡ, nếu còn có thể thay đổi để dung hòa, để giữ gìn hạnh phúc. Vì, hạnh phúc gia đình không phải chỉ là hạnh phúc của riêng cá nhân một mình ta.
Tình yêu – hôn nhân – gia đình là một chủ đề mà có lẽ quý vị sẽ hiểu rõ hơn, có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn so với chúng tôi, tuy nhiên, với kiến thức, hiểu biết giới hạn của mình, tôi xin hết lòng chia sẻ cùng phật tử. Vấn đề hạnh phúc lứa đôi không tách rời với Phật pháp, vì Đức Phật đã không xem hôn nhân như một điều nghịch lý trái lại Ngài còn xem đây là một việc rất quan trọng đối với phật tử cư sĩ, bởi gia đình họ có hạnh phúc bền vững thì mới có thể an tâm, vững tin hơn để mà học Phật và phụng sự đạo pháp. Thế nên, chính trong những bài giảng, bài kinh liên quan đến đời sống lứa đôi của phật tử tại gia, Ngài luôn nhấn mạnh về lòng thủy chung, sự thông cảm sâu sắc và tha thứ lỗi lầm cho nhau.
Ấn phẩm này có nội dung dành riêng cho lĩnh vực tình yêu – hôn nhân – gia đình, được nhà văn Trương Thanh Thùy và nhóm biên tập sách LimBooks tuyển chọn, biên tập lại từ một số bài nói chuyện chuyên đề về gia đình cho người phật tử tại gia của tôi, với mong muốn mỗi đôi vợ chồng sống trách nhiệm và đạo đức trong tình yêu theo lời Phật dạy và giải quyết một số vấn nạn cơ bản thường gặp trong trong đời sống hôn nhân. Có thể giới hạn của quyển sách này là chưa lý giải thỏa mãn được mọi tình huống trong một chuỗi quan hệ hôn nhân – gia đình, bởi kinh nghiệm thực tế của tác giả ở lĩnh vực này còn rất giới hạn, trong khi mâu thuẫn của các mối quan hệ tình yêu – hôn nhân – gia đình thì vô cùng phức tạp và đa dạng. Dẫu vậy, tôi vẫn hy vọng rằng, thông qua những điều chia sẻ rất căn bản này, chúng ta sẽ tự chiêm nghiệm và rút ra được những điều bổ ích để tự nhắc nhở và điều chỉnh những mặt hạn chế nơi bản thân của cả hai để cùng chung sống hòa hợp, an vui, hạnh phúc trọn đời. Và, bắt đầu quyển sách, tôi muốn dành hẳn một phần để chứng minh rằng, đạo Phật không những không xa rời cuộc sống mà ngược lại còn rất gần gũi, bổ ích với mỗi con người, dù ở bất cứ vai trò nào trong xã hội, nếu một ai đó biết tận dụng cơ hội và quan tâm thật sự đến đời sống gia đình của chính mình.
Mời bạn đón đọc.