“Chúng tôi ăn rừng” là một công trình nghiên cứu dân tộc học kinh điển của GS Georges Condominas, xuất bản năm 1957, dựa trên tư liệu ông ghi chép khi sống với dân làng Sar Luk trên cao nguyên miền Trung, Việt Nam. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt và được in ở một nhà xuất bản danh tiếng nhất nước Pháp, nhà Mercure de France, nơi chỉ chuyên in những tác phẩm văn học của các nhà văn Pháp nổi tiếng nhất.
Nhà dân tộc học nổi tiếng Claude-Lévi Strauss đã nói: “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”.
Năm 1948-1949, khi mới 27 tuổi, G. Condominas đã đến sống lâu dài với dân làng Sar Luk, quan sát và tìm hiểu tại chỗ, không qua phiên dịch, về cuộc sống của những người Mnông Gar ở đây. Cách thức nghiên cứu coi “dân tộc học như một nghệ thuật sống” đã giúp ông có được những công trình viết nổi tiếng.
Người Mnông Gar, cũng như phần lớn những người miền núi Tiền – Đông Dương, “ăn rừng” theo cách nói của họ, nghĩa là họ canh tác bằng cách đốt rẫy. Georges Condominas đã đến với dân làng Sar Luk ở Tây Nguyên chia sẻ cuộc sống cùng họ trong suốt một năm tương ứng với một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn và đã mô tả lại trải nghiệm đó của ông trong cuốn sách này. Từ cuộc hiến tế trâu trong đám tang của Taang – Jieng – Còng, đám cưới của Jaang, vụ tự tử của anh chàng Tieng đẹp trai, đến Lễ Đất lớn, ta cùng sống với ông cho đến khi kết thúc năm Đá – Thần Gôo…
Bên cạnh một công trình nghiên cứu lý thuyết về cấu trúc của một xã hội, ông đã cung cấp trong cuốn sách này một bức tranh càng chính xác và tỉ mỉ về cách sống của những con người cấu thành xã hội đó, và cái cách họ thực hiện sự tồn tại của chính “mẫu hình” văn hóa đó bằng những thí dụ cụ thể rút ra từ thực tế hằng ngày. Chẳng hạn, ở đây không đưa ra một lễ Tâm Bôh Mnông Gar lý thuyết, mà trình bày một lễ Trao đổi hiến sinh trâu cụ thể có ngày tháng và được đặt lại trong bối cảnh cuộc sống thường ngày – cuộc trao đổi giữa Baap Can và Ndêh: tức có phong phú thêm những chi tiết nằm ngoài chủ đề chính.
Tương tự, cuốn sách không phác thảo một lược đồ hôn nhân điển hình của người Mnông Gar, mà kể lại đám cưới của Srae và Jaang đã diễn ra như thế nào, với mọi tình tiết cụ thể.
Cuốn sách này đã từng được xuất bản tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm, nay Omega+ xuất bản lại với hình thức bìa mới và biên tập lại một số lỗi, nhằm mang đến cho độc giả một tác phẩm giá trị và kinh điển về nghiên cứu dân tộc học ở Việt Nam mà dường như đã bị quên lãng.
Sách nằm trong Tủ sách “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ” của Omega+.
Trích đoạn hay:
“Bốn người đàn ông ngâm nga mấy khúc ca khác nhau cầu cho Jôong khỏi bệnh. Hát nói xong, Bbôong-Mang cầm cái nút ché phủ hèm thấm máu và quỳ xuống bôi lên ngưỡng cửa, vừa bôi vừa đọc thuộc lòng nhiều bài ca chúc tụng. Còn ông phó thì đeo kiếm trên vai trái, đứng ở gần cửa, ông bôi máu lên chỗ cao nhất của cánh cửa và gọi các Thần:
Đau đớn làm tao rên rỉ, ơi Thần linh, tao van người;
Nỗi đau làm tao kêu than, ơi Thần linh, tao van người;
Tao rú lên vì đau, ơi Thần linh, tao van người.
Sợi dây bị đứt, tao cầu xin người nối lại;
Rào chắn bị gãy, tao cầu xin người buộc lại;
Một, hai, tao cầu xin người trông coi….”
(Trích: Chương IV – Đi tìm hồn ở thế giới bên kia)
“Khách phải là người uống đầu tiên, anh ta phải hút một lượng rượu nhất định (bao giờ cũng là số chẵn), hết số đó, anh ta nhường chỗ cho chủ nhà, người này phải uống cùng một lượng rượu như thế. Vị khách lại quay lại bên cần rượu và cuộc chơi lại bắt đầu, cho tới khi người khách ngắt quãng vòng quay và nhường chỗ cho một cặp thích hút rượu khác tới thay. Vì nói chung liều lượng phải hút vào khá cao, nên đôi lúc người uống có thể cho một trong số những người đang có mặt ở đó một cốc hay một ống tre anh ta đã dùng cần hút mà trút đầy rượu. Ngay cả lúc bình thường, việc “trao đổi rượu uống” chẳng có vẻ gì là một hành vi trịnh trọng, chủ yếu đó chính là dịp để tán chuyện và đùa vui; khi rượu đã phát huy tác dụng và nếu những kẻ đồng mưu lại phấn chấn, cuộc đấu rượu có thể được kèm thêm một cuộc hát đối. Có thể hình dung được sự ồn ào do cái trò đó gây ra trong một căn phòng chất tới khoảng một trăm năm mươi người và ở đó tại mỗi chiếc trong số hai mươi lăm cái ché xếp thành dãy dài lại túm tụm các cặp đôi, cặp ba hay thậm chí có cả cặp bốn nữa.”
(Trích: Chương II – Lễ kết nghĩa của Baap Can, một lễ Trao đổi Hiến sinh trâu)
Về tác giả:
GEORGES CONDOMINAS
(1921-2011)
Sinh tại Hải Phòng, là cử nhân Luật và Mỹ thuật tại Hà Nội, Văn học và Dân tộc học tại Paris.
Là Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn, Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo, Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường Đại học ở Mỹ, Nhật Bản…
Năm 2009, ông được nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh.
Tác phẩm tiêu biểu:
– Chúng tôi ăn rừng
– Fokon’olona và những tập thể nông thôn ở Imerina
– Không gian xã hội vùng Đông Nam Á
– Đạo Phật ở làng.
Mời bạn đón đọc!