Nguyễn Du từng lo không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình không…
Nhưng như Tố Hữu viết:
“Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người”.
L.Tônxtôi cũng đã từng băn khoăn: “thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc các tác phẩm của tôi không…” (thư ông gửi cho nhà nghiên cứu người Anh Uyliam Rôtxôn ngày 27 – 12 – 1878).
Lênin vĩ đại của chúng ta đã giải đáp nỗi băn khoăn đó: “Tônxtôi đã mất rồi và nước Nga trước cách mạng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng trong di sản của ông có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai. Di sản đó, giai cấp vô sản Nga đón lấy và nghiên cứu nó”.
Chiến tranh và Hòa bình của L.Tônxtôi chính là loại tác phẩm “thuộc về tương lai”.
Trong những ngày đánh trả mãnh liệt cuộc chiến tranh phá hoại man rợ bằng không quân của đế quốc Mỹ xâm lược, trên miền Bắc, sinh viên Việt nam vẫn viết những đề tài nghiên cứu về chiến tranh nhân dân, về con đường đi tìm lý tưởng của Anđrây Bônkônxki, Pier Bêzukhôv trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình. Aragông cho biết: Đã có một thời gian ở Pháp, người ta không thể đi trên xe lửa mà không thấy những người đọc Chiến tranh và Hòa bình của Tônxtôi. Cuốn tiểu thuyết này có lẽ là tác phẩm lớn nhất, chưa từng thấy, được người Pháp say mê vào những năm 1942 – 1943.
Do miêu tả cuộc chiến tranh yêu nước 1812 như biến cố trung tâm có ý nghĩa quyết định không chỉ vận mệnh nước Nga mà toàn châu Âu, miêu tả số phận của cả dân tộc, nhiều tầng lớp xã hội rộng rãi trong một thời điểm nghiêm trọng trong lịch sử đất nước, Chiến tranh và Hòa bình mang dáng dấp rõ rệt của một thiên anh hùng ca.”
Mời bạn đón đọc.