Trung Quốc là một nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Việc binh đao đúng là “bất tường chi sự”, nhưng trong cái rủi lại có cái may. Nhờ đánh nhau suốt bao nhiêu thế kỷ, Trung Quốc đã sản sinh ra nhiều nhà chiến lược quân sự tài ba, để lại cho đời sau không ít quyển binh thư mà giá trị của chúng còn hữu dụng đến hôm nay.
Những nguyên tắc binh pháp của Trung Hoa không chỉ có giá trị trong chiến tranh, chúng còn hữu dụng trên các lĩnh vực khác, miễn là trường hợp có đối kháng, tranh chấp quyền lợi, có người được kẻ mất. Bất cứ ai tham gia cũng cần có mưu kế, thủ đoạn, sự quyền biến để chiến thắng, đặc biệt trên lĩnh vực thương trường. Thương trường không khác gì chiến trường nên những ai biết áp dụng tinh thông các nguyên tắc của binh pháp vào thương trường cũng sẽ thu lợi lớn.
Với trên 180 trang sách, quyển “Chiến lược kinh doanh của người Trung Hoa” của tác giả Đào Chu Công đã trình bày cho người đọc những “case study”. Đây là các trường hợp thành công hay thấy bại của những thương gia, các nhà quản lý kinh tế nước Trung Hoa xưa theo một phong cách riêng chưa hề có.
Họ Đào đã dùng truyện tranh để mang đến cho người đọc nhiều bài học về sản xuất kinh doanh, thuật quảng cáo, marketing. Những câu chuyện ngắn gọn của ông rất ít lời, rất ít bình luận, rất ít phân tích. Thế nhưng, chúng đã giúp người đọc, nhất là đối với ai từng lăn lộn trên thương trường và cả những người đang tập tành bước vào “cuộc chiến tranh không súng đạn” có được những bài học sâu sắc, kinh nghiệm quý giá. Từ đó, họ tránh được thất bại và chọn cho mình con đường đúng đắn đi đến thành công. Đào Chu Công đã chứng minh rằng các nguyên tắc binh pháp cổ Trung Hoa được áp dụng thành công như thế nào trên thương trường Trung Hoa xưa. Và sau khi đọc, chúng ta sẽ phải nhìn nhận rằng nhiều nguyên tắc vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Chúng còn là kim chỉ nam cho các doanh nhân hiện đại, mặc cho thế giới đang tiến đến kỷ nguyên toàn cầu hoá và đang được làm phẳng.
Những truyện bằng tranh súc tích của Đào Chu Công làm người đọc “đi thẳng vào tâm pháp” trực chỉ yếu quyết và “ngộ” ra vấn đề bằng chính trực giác chứ không phải bằng lý luận logic. Mỗi độc giả sẽ hiểu câu chuyện theo “căn cơ” của mình và ứng dụng nó theo nội lực bản thân. Cũng như khi Giác Viễn đại sư đọc khẩu quyết “Cửu Dương thần công” dưới chân Thiếu thất có thiền sư Vô Sắc, Quách Tường và Trương Tam Phong cùng nghe. Khẩu quyết chỉ có một, nhưng Kim Dung chỉ ra rằng tuỳ theo căn cơ của mình, mỗi người hiểu và áp dụng “Cửu Dương thần công” khác nhau.
Thương trường không phải là nơi dạo chơi của kẻ lười biếng, ngây thơ, những người làm từ thiện và cũng không phải là chỗ dụng võ của những kẻ thiếu trung thực, chuyên lừa đảo. Thương trường có luật chơi đúng đắn mà khắc nghiệt của nó. Những tình huống của Đào Chu Công kể cho chúng ta sự trung thực của thương nhân như trong truyện Mạnh Tín mua lại bò cái ốm hay tiệm thuốc Hồ Khánh Du Đường. Trong đó cũng không thiếu những chuyện nói về sự quyền biến, thủ đoạn như chuyện Giám Chỉ Tử đánh rơi ngọc để mua được giá rẻ, Châu Tiểu Tuyền gạt Patten nhằm thu hồi tượng quý, chuyện Vỏ quýt dày, móng tay nhọn… với lời bình luận “khi thực hiện một vụ mua bán, thương nhân nên sử dụng trí thông minh và tài xoay xở để đạt được lợi thế nhất”.
Chúng ta hãy cùng khám phá bí mật đằng sau những thương nhân thành đạt của Trung Quốc ngày xưa. Phương pháp của họ thành công do dựa vào 10 nguyên tắc đã được thử thách theo thời gian.
Quyển sách này giới thiệu đến độc giả 30 tình huống có thực thuở xưa, với lời bình luận về việc ứng dụng những nguyên tắc trên trong bối cảnh kinh doanh hiện đại. Nhiều cửa hàng được đề cập trong các câu chuyện vẫn còn hoạt động cho đến tận hôm nay, chẳng hạn như hiệu thuốc Đồng Nhân Đường, tiệm bánh kẹo Thái Chi Trai…
Mời bạn đón đọc.