Tập tạp luận tập trung những bài viết của Dương Tường từ những năm 1980, 1990.
<br>
<br>Tạp luận Chỉ tại con chích choè dài hơn 400 trang với khoảng 100 bài viết, được chia thành 3 phần: Phần I: Văn học – ngôn ngữ; Phần II: Mỹ thuật; Phần III: Sân khấu, âm nhạc, điện ảnh và Phụ lục.
<br>
<br>Dương Tường được biết đến nhiều nhất ở vai trò dịch giả với những tác phẩm dịch nổi tiếng như: Anna Karenina (Lev Tolstoi, Nga); Đất dữ (Jorge Amado, Brazil); Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell, Mỹ); Alexis Zorba (Nikos Kazantzaki, Hy Lạp); Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig, Áo); Người dưng (Albert Camus, Pháp); Cái trống thiếc (Gunter Grass, Đức)… và nhiều vở kịch khác. Ngoài ra, Dương Tường còn là một nhà thơ lạ, trẻ trung đầy biến động, thuộc dòng Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng. Trong tập sách “Chỉ tại con chích choè”, ông là một nhà phê bình nghệ thuật tài ba, có cái nhìn sắc sảo, hào hoa khác người.
<br>
<br>Tập sách Chỉ tại con chích choè phần lớn tập trung những bài viết của tác giả từ những năm 1980, 1990. Đây là một cuốn sách quý giá cho người sáng tạo, một tư liệu cho người nghiên cứu, một cách nhận định giá trị khách quan và chuẩn mực ở góc độ nghệ thuật.
<br>
<br>Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng cảm nhận khi đọc Dương Tường: “… khoái cảm đọc chữ, nghe âm. Dù viết ngắn hay dài, dù là bài khai từ cho một triển lãm hay bài nghiên cứu sâu về một tác giả, tác phẩm, ông đều dụng công lấy chữ, đặt chữ, kỳ cho nói được đích đáng điều cần nói…”.
<br>