Mùa đông năm 1994, trong một chuyến tham quan nhà Anne Frank, trí tưởng tượng của Ellen Feldman đã bị cuốn hút bởi những lời bình luận trong một cuốn sách hướng dẫn, ghi chép về số phận của những người từng sống trong căn gác mái bí mật – ngoại trừ cái tên Peter van Daan, nhân vật mà Anne Frank nhắc đến trong một đoạn của cuốn nhật ký nổi tiếng.
Theo hồ sơ của Hội Chữ Thập Đỏ Hà Lan số 135177, Peter đã chết trong trại tập trung Mauthausen vào ngày 5/5/1945, ba ngày trước khi trại này được giải phóng.
Từ hai sự kiện khá mong manh này cùng với tư duy của một tiểu thuyết gia, Ellen Feldman đã hư cấu nên cuốn tiểu thuyết The boy who loved Anne Frank (tên tiếng Việt: Chàng trai của Anne Frank). Trong cuốn sách, Peter được giả định là được cứu sống khỏi trại tập trung và làm lại cuộc đời. Nhưng bóng ma của quá khứ lại trỗi dậy ám ảnh cuộc sống của Peter khi cuốn nhật ký của cô gái trẻ cùng ẩn trốn với anh được phát hành rộng rãi.
Tiểu thuyết diễn ra với tình tiết căng thẳng. Peter, một trong số những nhân vật phức tạp và đáng thương xoay quanh cuộc đời Anne Frank, được hư cấu sống động trên từng trang sách. Tình cảnh tuyệt vọng của Peter tác động mạnh mẽ đến độc giả bởi sự chân thật trong văn phong. Sự hòa quyện chặt chẽ giữa sự thật và những điều hư cấu cũng là yếu tố khiến Chàng trai của Anne Frank trở thành một câu chuyện ly kỳ, hồi hộp, bất ngờ.
Ellen Feldman sinh ra và lớn lên ở miền bắc New Jersey, Mỹ. Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ Lịch sử hiện đại, đồng thời có nhiều bài viết về lịch sử nước Mỹ trên tạp chí American Heritage và New York Times. Bà hiện sống cùng chồng tại New York.
Tờ The Forward nhận xét về cuốn tiểu thuyết, "…Feldman đã cho ra đời một cuốn tiểu thuyết hư cấu, khiến toàn bộ sự thật về câu chuyện của Anne một lần nữa sống lại."
Thất Sơn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn