Chân Dung Cát
Qua cuốn tiểu thuyết chúng ta tìm được sự đồng cảm với những nỗi niềm của thân phận, chúng ta chia sẻ một thái độ đối với cuộc sống và sự sống , thông qua sự đón nhận những tình tiết sống động quyến rũ, những xúc cảm tinh tế hay dữ dội của con người… Để từ đó nhìn ra nét đặc thù tinh thần của thời đại hay cảm quan độc đáo của người viết (lúc đó có thể đã là của chúng ta – người đọc) về những vấn đề mãi mãi của con người.
Bản trường ca bỏ hoang. Chắc chắn không chỉ có một. Dân tộc đồ sộ trong kiến trúc và điêu khắc như thế kia không thể không là gì cả trong văn chương được, hắn tin thế. Thứ niềm tin sâu thẳm tối tăm đến phi nhân ám hắn như loài hoa độc, gặm nhấm linh hồn hắn suốt một năm hơn khi hắn từ Mali trở về, thứ niềm tin quái quỷ khiến một công chức sáng xách cặp đi chiều đạp xe về họp hành lương bổng, vụt cái như thiền sư ngộ đạo, giũ bỏ tất cả . Đi.
(Inrassara- trích Chân Dung Cát)
Một tiểu thuyết bao gồm hầu hết những chân dung hoạt kê, châm biếm nhưng lại được nét đằm thắm, sâu lắng. Đó là nét duyên riêng của Chân dung cát. Ngay cả khi trào lộng không nương nhẹ, tác giả vẫn giữ được niềm cảm thông. Những cực đoan, huyễn tưởng, rồ dại… trong tác phẩm, vẫn được nhìn nhận như sự sẻ chia gánh nặng buồn thương định mệnh của con người. Và một vẻ đẹp Chăm đậm tính nữ, thuần khiết, phồn thực, ẩn hiện quyến rũ trong tác phẩm, vừa như một sự cứu rỗi, vừa như một nỗi ngậm ngùi..
(Trần Vũ).
Mời bạn đón đọc.
Truy tìm chân dung cát
Chân dung cát, tự thân nó đã mang nghĩa phù ảo, giả tạo và tạm bợ. Vậy thì kẻ nào đi tìm chân dung cát, kẻ ấy hiển nhiên đi tìm cái phù ảo, cõi giả tạo và sự tạm bợ.
Và vì thế, kẻ ấy cũng đang đi tìm, đang tự xây dựng cho mình một cuộc phiêu lưu độc đạo; mà bản chất của cuộc phiêu lưu ấy đã mang tính kỳ khôi và thách thức.
Một tiểu thuyết có nên viết về những điều này chăng? Inrasara trả lời là nên! Vì theo ông, tiểu thuyết là những câu chuyện nhỏ, chủ yếu là hư cấu và mang tính riêng tư. Và chính ông đã làm điều đó qua tiểu thuyết đầu tay của mình, Chân dung cát. Trong lời giới thiệu, Trần Vũ viết: “Chắc chắn quý vị và các bạn đã từng có lần tự hỏi: Chúng ta tìm điều gì ở một cuốn tiểu thuyết? Hoặc một truyện ngắn (có dung lượng của cuốn tiểu thuyết, được cô đặc)?
Câu hỏi đó có thể được trả lời: Chúng ta tìm sự đồng cảm với những nỗi niềm của thân phận, chúng ta chia sẻ một thái độ đối với đời sống và sự sống, thông qua việc đón nhận những tình tiết sống động quyến rũ, những xúc cảm tinh tế hay dữ dội của con người… Đọc xong Chân dung cát, chúng ta vừa có dịp tiếp xúc thêm nhiều lát cắt về chân dung người Chăm, vừa có dịp theo đuổi những câu chuyện nhỏ trong câu chuyện lớn, tiểu thuyết ngắn trong tiểu thuyết dài. Nhưng tổng cộng cũng chỉ có khoảng 280 trang.
Tuy nhiên theo một quan điểm khác, phổ biến nhiều trong các tiểu thuyết được viết theo tinh thần hậu hiện đại, và rất thành công về lượng người đọc hiện nay trên thế giới, đó là: Tiểu thuyết không nhất thiết phải mang đến cho người đọc một điều gì cụ thể, to tát, lớn lao. Tiểu thuyết chỉ đơn thuần là một cuốn sách dày dày, có khá nhiều chữ, và người ta phải đọc nó, nếu thấy cần.
Chân dung cát của Inrasara dung chứa được cả hai quan điểm trên, và bản thân nó cũng không phải là tiểu thuyết “dùng để kể lại”. Điều đặc biệt trong bút pháp của tác phẩm này mà bất kỳ độc giả nào cũng nhận ra là sự xáo trộn về cột mốc thời gian, xáo trộn về sự thật với hư cấu; và cắt dán những “bản tin” có sẵn từ các sách, các báo vào phần sáng tác. Chính điều này mở rộng cảm quan và biên độ nhận thức của người đọc, đồng thời cũng là cách để liên văn bản, quẹo sang những vấn đề khác, bên lề tuyến chính – mà tiểu thuyết muốn hướng đến. Xét về mặt thủ pháp thì trong nhiều năm qua, văn xuôi Việt Nam mới có một tiểu thuyết như vậy. Cùng với vài tác giả khác, chủ nhân của giải thưởng văn học ASEAN 2005 – Inrasara cũng muốn góp công vào tiến trình đổi mới và cải cách văn học. Tuy nhiên vấn đề của cuốn tiểu thuyết “kỳ khôi” này là ở chính các bạn – người đọc, nếu muốn thì hãy đọc Chân dung cát, Inrasara, NXB Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam 2006 xuất bản.
Như Hà.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ Sáu, 22/06/2007)
108 danh lam cổ tự Việt Nam
Tập sách dày hơn 400 trang khổ 19×27 này của tác giả Võ Văn Tường đưa người đọc đi thăm các ngôi chùa nổi tiếng của VN từ Bắc vào Nam qua 838 tấm ảnh màu chọn lọc. Phần giới thiệu vắn tắt về lịch sử từng ngôi chùa có cả bốn ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và Hoa. Ấn phẩm này cũng như một số ấn phẩm cùng đề tài trước đây của Võ Văn Tường – người giữ kỷ lục Người chụp và lưu giữ ảnh nhiều ngôi chùa nhất VN – đã giúp lưu giữ lại cả một tinh thần thanh tịnh, hiền hòa của các giá trị văn hóa và truyền thống tâm linh của dân tộc.
L.TH
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn