Chân Dung Các Nguyên Thủ Pháp
Từ năm 1848 đến năm 2002, nước Pháp đã trải qua năm nền công hoà với 22 đời tổng thống nối tiếp nhau. Đằng sau quyền lực thiết chế là lịch sử của 22 con người đã đảm nhiệm theo những cách khác nhau vai trò của mình dựa trên cá tính, kỳ vọng và tham vọng của từng người. Tính mưu quyệt của kẻ mưu phản như của LouisNapoleon Bonaparte, sự đơn giản và tính thẳng thắn của người miền Nam của Fallieres và, tính nghiêm khắc tuân thủ luật pháp và những hi vọng thầm kín của Raymond Poincare, thiên hướng thích độc quyền của Mitterrand, sự kín đáo đến gần như tự giấu mình của Lebrun và Coty… mỗi người mỗi cách, tất cả dệt nên bảng tiểu sử của 22 người Pháp đã từng là hiện thân của đất nước trong vài năm, vài tháng hoặc vài tuần.
Thông qua việc khắc hoạ sâu sắc, hấp dẫn chân dung của 22 vị nguyên thủ Pháp, Serge Berstein – chuyên gia đầu ngành về lịch sử chính trị thế kỷ XX thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris – đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh của hành trình xây dựng và xác lập thể chế Cộng Hoà Pháp trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi.
Nhà nước Cộng hòa Pháp là một nước dân chủ theo thể chế Cộng hòa tổng thống trung ương tập quyền. Là một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu, đồng thời cũng là quốc gia lớn nhất trong khối này tính theo diện tích, Pháp còn là thành viên sáng lập của các tổ chức NATO và Liên Hiệp Quốc, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngoài việc nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế – chính trị toàn cầu, Pháp còn là một trong những cái nôi của văn minh thế giới, quê hương của các triết gia Khai sáng và những giá trị quan trọng của thể chế này được thể hiện trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citroyen). Tổng thống Cộng hòa Pháp là vị nguyên thủ quốc gia được dân bầu của đất nước này. Đây là chức tổng thống tồn tại lâu đời nhất tại châu Âu và khác với chức tổng thống ở các nước châu Âu khác, là một chức vụ có nhiều quyền lực thực sự, là chức vụ cao nhất đất nước và có quyền chọn Thủ tướng và thành viên chính phủ. Trong số những nhân vật từng làm Tổng thống Cộng hòa Pháp, có nhiều nhân vật rất nổi tiếng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử nước Pháp như Louis-Napoléon Bonaparte (1848 – 1852) (tự phong làm Hoàng Đế năm 1852, cai trị đến năm 1870 thì nền Cộng hòa thành lập), Raymond Poincaré (1913 – 1920); Paul Doumer, 1931 – 1932, từng làm Toàn quyền Pháp ở Đông Dương; Charles de Gaulle, người giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít, sáng lập nền Cộng hoà đệ Ngũ; Georges Pompidou (1969 – 1974); Valéry Giscard d’Estaing (1974 – 1981); François Mitterrand (1981 – 1995); Jacques Chirac (từ năm 1995 đến nay). Nhưng cũng có những Tổng thống vô danh hầu như không mấy ai biết đến. Mặc dù là một trong những dân tộc được “khai sáng” đầu tiên của loài người với những triết gia và lý thuyết gia về chính trị như Montesquieu và Rousseau, từng trải qua cuộc Cách mạng Tư sản đầu tiên trên thế giới năm 1789 nhưng con đường đưa đến nền Cộng hoà Pháp không dễ dàng và đơn giản. Chế độ chính trị nước Pháp trước năm 1789 là một chính thể Quân chủ thế truyền chuyên chế, trong đó tất cả mọi quyền lực được tập trung vào Nhà Vua. Bản Hiến pháp đầu tiên, được Quốc hội thông qua ngày 3/9/1791 đã mở đầu một thời đại mới: Thời đại Hiến trị thành văn, trong đó Quyền lực Nhà nước được qui định rõ ràng trong một văn bản chính thức. Trải qua trên hai thế kỷ với nhiều biến động trầm trọng đã diễn ra trong phạm vi nước Pháp vì các tranh chấp về quyền lực nội bộ, các chế độ chính trị khác nhau đã được liên tiếp thiết lập trên đất Pháp, mỗi chế độ được thể hiện bằng một Hiến pháp qui định chức năng của các cơ cấu nắm giữ Quyền lực Nhà nước. Bản Hiến pháp ngày 4/10/1958 thiết lập thể chế Cộng hòa đệ Ngũ: một nền Cộng hòa hiện đại kéo dài cho tới ngày nay. Chính vì lẽ đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và dân tộc Pháp giữ một vị trí quan trọng đối với người Việt Nam. Cuốn Chân dung các Nguyên thủ Pháp mà Alpha Books xuất bản cũng phần nào thể hiện mối quan tâm đó. Đây là lần đầu tiên, toàn bộ những nguyên thủ Pháp, các vị Tổng thống Pháp được trình bày chi tiết và được giới thiệu đến các độc giả Việt Nam qua cuốn sách Chef de L’Etat của tác giả Serge Berstein. Cuốn sách cũng được xuất bản với sự hỗ trợ về tài chính của Trung tâm sách Quốc gia Pháp
Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 12 /4 /1973 nhưng thực ra, nước Pháp có một mối quan hệ, gắn bó và ràng buộc với dân tộc Việt Nam từ hơn 150 năm trước. Những mối quan hệ về lịch sử dẫn tới những mối quan hệ về văn hoá, chính trị… và hôm nay, ở Việt Nam cũng như trong suy nghĩ của con người và các thể chế chính trị của Việt Nam vẫn còn dư âm và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.
Hy vọng rằng cuốn sách sẽ mang lại những thông tin hữu ích và hấp dẫn, chỉ ra bài học về cuộc đời, sự nghiệp của những người đứng đầu nước Pháp và qua đó, thể hiện những đặc điểm văn hoá, lịch sử và chính trị của nước Pháp và dân tộc Pháp.