Các chuyên gia về gia đình cho rằng: sự bền vững và hạnh phúc của một gia đình do độ thân thiết, gắn bó trong tình cảm giữa các thành viên trong gia đình quyết định. Vì vậy các chuyên gia đưa ra những lời khuyên giúp tăng thêm tình cảm gắn bó thân thiết giữa người thân trong gia đình như sau: hiểu biết nhau sâu sắc, cùng nhau chia sẻ khó khăn hoạn nạn, cần tận dụng thời gian quây quần để trò chuyện cùng nhau, cùng nhau vui đùa và sinh hoạt chung, cùng chia sẻ với nhau trong công tác và học tập, giữ vững mối liên hệ với những người đi xa…
Sách cũng đề cập đến những mối quan hệ giữa các thành viên trong đại gia đình: cách ứng xử giữa hai thế hệ (con cái với cha mẹ), anh chị em ruột, bên vợ bên chồng… đến việc quản lý việc nhà: giữ môi trường gia đình, quản lý đồ dùng trong nhà, xây dựng nền nếp gia đình, sắp xếp công việc nhà sao cho khoa học, chia sẻ công việc nhà giữa các thành viên, đầu tư cho học tập và giải trí, để có được ngày nghỉ cuối tuần thoải mái…
Quán xuyến kinh tế gia đình cũng là một nội dung quan trọng mà sách bàn tới: quản lý thu nhập cố định và không cố định như thế nào, sắp xếp thu chi kinh tế gia đình sau khi có con, tổ chức hợp lý việc mua sắm chi tiêu trong gia đình, nắm vững đặc điểm thị trường ra sao, cách phân biệt sổ tiết kiệm với các loại đầu tư có giá (kỳ phiếu, trái phiếu, cổ phiếu)…
Để đảm bảo hạnh phúc của một gia đình, phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố (con người, tài sản, công việc, vật chất, thời gian…), cũng cần phải thực hiện rất nhiều điều và phải có sự tham gia của tất cả các thành viên.
Quan hệ trong các gia đình hiện đại có 3 đặc điểm chính: bình đẳng, mỗi người đều có trách nhiệm đối với xã hội và tình yêu thương đối với nhau. Nhân tố văn hoá và nhân tố tâm lý ngày càng có ý nghĩa đối với gia đình hiện đại. Và trên tất cả là giữ vững luân lý trên dưới có nền nếp, phép tắc, sống có đạo đức, phẩm chất và trách nhiệm, từ đó xây dựng được bầu không khí gia đình vui vẻ hoà thuận, thể hiện được vẻ đẹp đạo đức của văn hoá phương Đông.