“Các hung thần lên cơn khát” là một thiên hùng ca bi tráng về thời kỳ Công xã Paris. Nhân vật chính của câu chuyện là Évariste Gamelin, một họa sĩ trẻ tràn trề sức sống và lý tưởng, một người con hiếu thảo sống cùng mẹ già nghèo khó, một người bạn vô hại dễ thương, một công dân nhiệt tình yêu nước, một chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Cách mạng được bổ nhiệm làm hội thẩm của Tòa án Cách mạng Pháp. Tư tưởng cực đoan và sự sùng bái cá nhân của Gamelin đối với các nhà lãnh đạo công xã Robespierre, Marat,… và cơn ghen cuồng điên trong mối tình si chớm nở đã từng bước đưa anh từ một nghệ sĩ mộng mơ thành một tên giết người hàng loạt. Vì chế độ Cộng hòa, anh hy sinh không hối tiếc bao nhiêu sinh mạng, kể cả bạn bè, và nếu cần, cả em gái mình để làm lễ dâng lên bàn thờ Tổ quốc.
Điều gì sẽ đến khi lý tưởng trở thành ngọn hải đăng tỏa sáng dẫn đường, khi lý tưởng trở thành vị thần được tôn thờ mù quáng, khi lý tưởng được sùng bái một cách bất khả tư nghị? Và chuyện gì sẽ xảy ra khi con người trở thành nô lệ của dư luận, khi suy nghĩ bị dẫn dắt bởi đám đông,… đấy là khi máy chém sẽ trở thành vị chủ tế, mạng sống và máu của con người được xem như vật hiến sinh, những buổi hành hình trở thành lễ hội náo nhiệt.
Khi sự phi lý trở nên bình thường, khi quyền lực trao tay những kẻ vô tri, con người trở thành điên rồ và khát máu.
“Các hung thần lên cơn khát”, một kiệt tác của A.France không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử cách mạng. Dưới ngòi bút của một thiên tài, một xã hội thị dân Paris với đầy đủ các cung bậc cuộc sống, tình yêu, dục vọng, với ghen tuông được tái hiện. “Các hung thần lên cơn khát” còn là một bản trường ca về sự giao hòa giữa lý tưởng và tình người, về cách mạng và nhân văn, giữa duy tâm với duy vật, cả thánh thiện và tàn ác, về chiến thắng và chiến bại, về sự sống cùng cái chết, tất cả đã được Anatole France dệt thành một câu chuyện đa sắc sinh động.
Anatole France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, ông sinh ở Paris ngày 16 tháng 4 năm 1844, ngày 13 tháng 10 năm 1924 ở Tours, Indre-et-Loire, Pháp. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”… Đến năm 1922, sách của ông đã nằm trong danh sách cấm của Giáo Hội Công Giáo La Mã, bởi trước tác của ông chống lại sự mê hoặc tôn giáo, giáo điều chủ nghĩa; dưới ngòi bút châm biếm đả kích, trào lộng, A. France mỉa mai những luận điệu thần thánh, những thiết chế Nhà nước, những thối nát của nhà thờ cùng với sự đớn hèn của loài người.
Mời bạn đón đọc.