Như chúng ta đã biết, quan hệ lao động được xem là một trong những mối quan hệ phổ biến nhất, bên cạnh các mối quan hệ dân sự, thương mại và kinh doanh. Hàng triệu con người và hàng trăm nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam đang duy trì mối quan hệ lao động, cùng với hàng nghìn văn bản pháp luật từ Luật, Nghị định, Thông tư, công văn được các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương ban hành ở nhiều thời kỳ khác nhau để quản lý và điều chỉnh mối quan hệ này. Với số lượng văn bản pháp lý đồ sộ được ban hành ở nhiều thời kỳ khác nhau như vậy, thật khó để có thể tìm, đọc, hiểu và áp dụng chúng trong thực tiễn, làm mất rất nhiều thời gian không chỉ cho những người bình thường mà ngay cả nhà làm luật, người nghiên cứu pháp luật, người làm công tác nhân sự trong doanh nghiệp, luật sư, luật gia và các viên chức ở các cơ quan Nhà nước. Có khá nhiều văn bản pháp lý được ban hành có nội dung khá chung chung, chưa rõ ràng hay có thể hiểu ở nhiều hướng khác nhau hoặc thậm chí là mâu thuẫn với nội dung của các văn bản pháp luật khác, khiến người đọc khó hiểu và khó áp dụng trong thực tiễn.
Hiểu được những khó khăn của bạn đọc như trên, tác giả, Luật sư Nguyễn Hữu Phước, với gần 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực pháp luật lao động đã xuất bản Quyển sách Các Câu Hỏi Thường Gặp Trong Pháp Luật Lao Động này. Những câu hỏi trong Quyển sách này thường không có câu trả lời được tham chiếu trực tiếp từ các văn bản pháp luật lao động có liên quan, hay nếu có thể tham chiếu thì phải tham chiếu đồng thời ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Trong trường hợp chưa có văn bản pháp luật để tham chiếu hay chỉ có thể tham chiếu các văn bản pháp luật mà quy định không rõ ràng, tác giả phải vận dụng các quy định của pháp luật ở các lĩnh vực khác có tính chất tương tự hay phải sử dụng kỹ năng phân tích luật của những người hành nghề luật chuyên nghiệp để tìm ra các câu trả lời hợp lý. Đối với các câu hỏi mà không thể trả lời bằng các cách trên, tác giả đã phải kiểm tra tính thực tiễn áp dụng thông qua các công văn hướng dẫn chính thức từ cơ quan lao động địa phương có thẩm quyền hay các hướng dẫn không chính thức từ các chuyên viên của cơ quan lao động địa phương tại từng thời điểm.
Nhìn chung, các câu trả lời trong quyển sách này được biên soạn với góc nhìn chính từ các quy định của pháp luật lao động Việt Nam và thực tiễn áp dụng pháp luật lao động tại doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam vừa tuân thủ pháp luật lao động vừa đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan lao động địa phương. Tóm lại, các câu trả lời trong Quyển sách này được biên soạn dựa trên nguyên tắc: “quy định của pháp luật + lý luận + thực tiễn + tình hình doanh nghiệp”. Như vậy, nếu nhìn các câu hỏi này ở các góc độ khác, ví dụ như từ góc độ của các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động hay từ góc độ bảo vệ người lao động, nghiên cứu pháp luật hay nhà làm luật, thì có thể các câu trả lời của các câu hỏi này sẽ ít nhiều khác đi.
Mời bạn đón đọc.