Bóng Ma Trong Điện Kremli:
Bóng Ma Trong Điện Kremli của Gennadiy Gatsura là tấm gương phản chiếu đời sống ngầm của nước Nga thời hiện đại xen lẫn những huyền thoại hoang đường về lịch sử xa xưa của đô thành Matxcơxa trong vòng xoáy khép lại dần ở tâm điểm Kremli với tham vọng thực hiện thánh lễ cuối cùng của kẻ sát nhân bí ẩn đang nhắm đến đỉnh cao quyền lực.
Một câu chuyện phức tạp với những vụ giết người có quy luật bí hiểm, để lại những vết rạch đẫm máu như dấu ấn của Quỷ, với cuộc chiến gian nan của lực lượng an ninh Nga song song cùng cuộc truy lùng báo thù đơn độc của một cô gái đẹp.
“… Thằng bé lấy móng tay cấu một mẩu sáp mềm mại màu vàng bết trên mặt bàn bị cạo đến trắng bong, miết một hồi giữa những ngón tay, và hỏi:
– Bà ơi, bà à, nhưng bà cần sáp nến làm gì thế?
– Để làm hình nhân.
– Nhưng đấy là cái gì kia?
– Kiểu như búp bê ấy. Đây, cháu xem đi – bà già lấy trên giá xuống một hình nhân nhỏ nặn bằng sáp vận chiếc áo váy màu thiên thanh và xuyên cây kim đan qua thân nó – cháu có biết chuyện gì sẽ xảy ra với kẻ có tóc hoặc móng tay giấu trong này không?
– Không ạ, – thằng bé chừng mười tuổi lắc đầu.
– Bây giờ nó đang đau lắm. Đấy, đại khái thế, nói đoạn bà già rút cây kim đan ra và dựng con búp bê sáp vào cùng một hàng với đám hình nhân mặc những bộ áo quần sặc sỡ cắt từ giẻ vụn còn lại.
Thằng bé không rời mắt khỏi con hình nhân bằng sáp bị đâm thủng. Nó đựơc nặn cẩn thận và giống thật đến mức khuôn mặt trông như sắp khóc. Và điều chủ yếu nhất là thằng bé thấy con hình nhân và quần áo của nó rất giống một ai đó. Sau rốt thằng bé rời mắt khỏi con hình nhân và trỏ ngón tay vào một chiếc bình cổ cong to tướng bám bụi đựng thứ chất lỏng nhơn nhớt màu xanh:
– Thế đây là gì ạ?
– Ở đây hội tụ toàn bộ sức mạnh hồi sinh của đất đai chúng ta. Đó là phương thuốc mà từ thời bà cố của ta và bà cố của bà cố ta đều đã dùng để chữa đủ thứ bệnh tật. Còn nếu ai mà xát nó lên người thì có thể bay được đấy.
– Thế cơ ạ? – thằng bé lắc đầu – cả bà cũng có thể ư? Giống như phụ mù thuỷ Yaga ấy ạ?
– Nếu như cần phải thế, nhưng… bà già thở dài nặng nề, bà đã già quá rồi, không thể chơi mấy trò ấy nữa – rồi, như thể sực nhớ ra điều gì,bà nói: về đi, mẹ cháu hẳn lại đang đi tìm cháu rồi đấy. Sao cháu cứ lảng vảng ở đây mãi thế?
– Có mà tìm. Chắc lại mò đến với bọn nhân tình nhân ngãi của bà ấy rồi thì có. Bà ấy chẳng yêu gì cháu đâu mà.
– Hừ, nói đến mẹ ruột đẻ ra mày như thế mà không ngượng hả? bà già vung vẩy hai tay – ai dạy mày những lời như thế?
– Chả ai – thằng bé dẩu mỏ.
– Ối chào, thế kia đấy! mày cứ liệu hồn với tao nhé, thằng đầu đường xó chợ kia, bước về mau!
– Thôi mà, bà, cháu chỉ ngó tí tẹo nữa rồi đi ngay.
– Mày có lấy con dao của bà không đấy? vừa biến đi đâu đằng nào rồi.
– Không, cháu chả động đến con dao của bà. Cháu cần nó làm quái gì?
Thằng bé đã mò mẫm không biết bao nhiêu lần khắp căn phòng áp mái này của bà già. Ở đây chẳng thiếu thứ gì: chai lọ, hũ chậu đủ cỡ đủ kiểu, những chiếc cối bằng đồng, bằng gỗ và đá nặng trình trịch chất chồng chất đống, những cuốn sách cổ viết tay bìa nẹp sắt. Dọc tất cả các bức tường, và thậm chí trên trần nhà cũng treo hàng dãy bó cỏ, rễ cây, nội tạng sấy khô của đủ loại con vật. Trên bếp lò bắc một cái vạc bằng đồng to tướng, bên trong có thứ gì sôi lục bục suốt ngày. Thằng bé mó vào đầy, nhưng vội rụt phắt tay lại. Mặc dù bên dưới vạc không có lửa, nó vẫn cứ bỏng rẫy. Thằng bé lao bổ ra phòng ngoài, dúi những ngón tay bị bỏng vào gầu nước và nhảy từ cái chái thấp lè tè gần như chỉ cao ngang các ô cửa sổ xuống đất. Tiếng cười hiền từ của bà già vẫn sau lưng nó….”.
Mời bạn đón đọc.