Khi lần đầu nhìn thấy tấm ảnh nhà văn Nga gốc Do Thái, Konxtantin Paustovski, in trên tờ tạp chí cũ từ thời Liên Xô, tôi thật sự không thấy cảm tình với ông bởi gương mặt góc cạnh và đôi mắt tối sẫm lạnh lùng. Thế nhưng, sau khi đọc một mạch hết cuốn Bông hồng vàng & bình minh mưa mà Paustovski là tác giả, tôi liền lập tức tự nhủ: "Rõ ràng bề ngoài vẫn chỉ là bề ngoài. Không thể nào một người khô khan lại có thể viết nên những áng văn chương đẹp đẽ dường ấy".
Ẩn đằng sau vẻ băng giá bên ngoài, Konxtantin Paustovski sở hữu một tâm hồn Nga tuyệt đẹp với trái tim cháy rực lửa yêu thương. Ông biết rung cảm sâu sắc với cảnh đẹp thiên nhiên và sự hồn hậu của những con người không chỉ của nước Nga mà cả những nơi ông đã đi qua. Trẻ em được khắc họa đẹp nhất trong truyện của ông. Những cậu bé, cô bé Nga và cả một số nước lân cận hiện lên trên những trang viết vừa ngây thơ, vừa giàu trí tưởng tượng và những phút giây nghiêm nghị hay nghi ngờ của chúng thật dễ khiến ta bật cười.
Từ ngày gặp Bông hồng vàng & bình minh mưa, tôi đã yêu văn chương Paustovski, yêu nhất trong tất cả gia tài văn chương đồ sộ của nước Nga trong suốt những năm dài. Tất nhiên, mặc dù là tác giả tôi yêu thích nhất, Paustovski không phải nhà văn nổi bật nhất trong văn đàn Nga vốn toàn những "cây đa cây đề" cao lớn. Bông hồng vàng & bình minh mưa cùng các tác phẩm khác của ông không có những tình tiết ly kỳ cuốn hút đến mức nghẹt thở, cũng không gây cho người đọc niềm thương cảm mạnh mẽ và sức tố cáo xã hội ghê gớm.
Bông hồng vàng & bình minh mưa là một cuốn sách êm đềm, nhẹ nhàng, một thế giới thanh bình yên ả trước thế chiến thứ II, thế giới của những người con nước Nga bình dị, đôn hậu và lóng lánh chất thơ. Những truyện ngắn Paustovski đã viết: Tuyết, Chiếc nhẫn bằng thép, Bức điện, Trái tim nhút nhát… đều không có những câu văn cao vời, uốn lượn, không có những triết lý sâu xa. Tình cảm giữa cha mẹ với con, tình yêu đôi lứa, tình làng nghĩa xóm… của con người nước Nga những năm đầu thế kỷ trước được Paustovski diễn đạt bằng lối văn chương giản đơn, dịu dàng như con trẻ.
Có lẽ cũng chính vì thế nên truyện của Paustovski không lôi cuốn nếu bạn chỉ đọc rời rạc từng đoạn theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" hay đọc thật nhanh cho mau hết chuyện. Bạn phải để đôi mắt của mình lướt thật chậm, để những ý tứ thấm dần vào đầu như nước mưa thấm vào lòng đất. Bạn phải thả hồn mình lơ lửng mơ màng để những hình ảnh theo nhau hiện ra qua từng câu chữ. Khi đọc Paustovski, độc giả rất dễ nhận thấy một bầu không gian bình yên tràn ngập từng trang viết, thậm chí kể cả lúc ông đang miêu tả một cuộc chiến.
Chiến tranh xuất hiện rất nhiều trong truyện Paustovski nhưng ông không giới thiệu với chúng ta cái thứ khốc liệt ấy với máu, nước mắt và những niềm tuyệt vọng. Chiến tranh trong truyện của ông là lá thư của anh lính thủy gửi cha mình: "Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúng ta…" trong truyện Tuyết. Chiến tranh là "Bài Macxâye vang vang, tràn ngập ngôi nhà, khu vườn và hình như nó tràn ngập cả rừng và đêm tối…", là lời nguyện cầu "Hãy cho con lại…" của Madam trong Lời cầu nguyện của Madam Bôvê. Chiến tranh là cuộc phiêu lưu kỳ diệu của chú bọ sừng dũng cảm mà cậu bé Xtêpa tặng cho cha mình là bác Piốt Têrenchiép trước khi bác từ giã xóm làng lên đường ra trận trong Cuộc phiêu lưu của bọ sừng. Chiến tranh là "những chiếc máy bay bay đến lượn trên các thửa rừng, trên các nóc nhà, thân lấp lánh, tiếng máy gầm rú đến nỗi những con ong đất trong vườn nằm ngửa cả người lên giả vờ chết vì sợ quá. Masa biết quá rõ cái tính láu vặt của chúng" trong Vườn nhà bà…
Kể cả với những điều xấu xa và tuyệt vọng nhất của thế giới này, Paustovski cũng vẫn giống như người quét rác Giăng Samet tốt bụng trong truyện ngắn Bông hồng vàng, cần mẫn sàng đãi trong rác rưởi lọc ra những bụi vàng lấp lánh đem đúc thành bông hồng nhỏ. Bông hồng vàng tương truyền sẽ mang đến hạnh phúc cho những ai may mắn sở hữu. Về điểm này, Paustovski quả thực rất giống với nhà văn viết truyện cổ tích của Đan Mạch, Hans Christian Andersen, người không biết gì về sức mạnh của mình cho tới khi nhà thơ Ingheman đùa cợt nói với ông: "Anh có một khả năng quý báu là trong bất cứ cống rãnh nào anh cũng tìm ra được ngọc trai", trích Người kể chuyện cổ tích (K.Paustovski).
Bông hồng vàng & bình minh mưa khiến người bình thường giật mình và kẻ hoài nghi nghi ngờ: thật sự trên đời này vẫn còn những câu chuyện kỳ diệu như thế? Thông qua tác phẩm đầy tính nhân văn này, Paustovski nhắc nhở chúng ta về những điều đẹp đẽ, những niềm hạnh phúc nhỏ nhắn mà chúng ta đã bỏ quên hay xem như xa xỉ trong cuộc sống vội vã của mình.
Vài nét về tác giả:
Như rất nhiều người Việt trong và ngoài nước khác, tôi là một độc giả thường xuyên của Ngoisao.net. Tôi rất muốn gửi lời cảm ơn đến quý báo vì đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều thông tin bổ ích và những phút giây thú vị.
Mong muốn được góp mặt trên trang báo mà mình yêu thích. Hôm nay tôi xin gửi đến chuyên mục "Sách hay" của quý báo bài giới thiệu sách do tôi viết.
"Chữ 'gia tài' có thể được dùng với tiền bạc, nhà cửa hoặc kiến thức, kinh nghiệm tích lũy, nhưng cũng có thể được dùng chỉ những cuốn sách. Giá sách đầy ngập sách sẽ chẳng để làm gì nếu không đem nó chia sẻ cho những người đồng cảm. Nên tôi chọn tặng bạn món quà đẹp là những cuốn sách hay…"
Tạ Thu Thủy.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn