Với chúng ta, ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mẹ luôn là suối nguồn của yêu thương. Thật vậy, tôi rất cảm động khi được đọc những dòng chữ như thơ:
“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” . Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ. Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi”.
Trong phần Cung điện hài nhi, tác giả cho rằng, thời gian hạnh phúc, vô ưu nhất vẫn là lúc ta được nằm trong bụng mẹ: “Sau khi chào đời ta có những lúc không vừa ý, nên đa số chúng ta đều cảm thấy rằng thời gian trong bụng mẹ là một thời gian tuyệt vời. Ta khỏi phải lo lắng về thức ăn thức uống. Ta được che chở khỏi nóng và lạnh. Ta khỏi làm bài tập ở nhà và công việc bếp núc. Khi được bảo vệ trong bụng mẹ ta cảm thấy an toàn. Ta khỏi phải lo lắng gì cả. Và điều đó thật là tuyệt vời. Tôi chắc rằng nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ về khoảng thời gian đó”.
Rồi sau này, khi lớn lên và bước vào cuộc đời, tác giả nhắc nhở đó là lúc ta “bước đi với đôi chân của cha mẹ”. Và: “Hồi bé thơ, khi bạn khóc, chắc chắn mẹ sẽ ngưng mọi việc và ẵm bạn lên rồi ôm bạn vào lòng. Nếu mẹ không có đó thì một người khác sẽ làm thay mẹ. Khi ta nhận diện và ôm lấy nỗi đau buồn trong ta thì nỗi đau buồn đó sẽ được lắng dịu như em bé trong vòng tay của mẹ…”.
Những suy nghĩ rất đời thường nhưng vô cùng sâu sắc như vậy bàng bạc trong Bông hồng cài áo.
(Giá = Sách + 1 CD)
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
PNO – Tập sách Bông hồng cài áo của nhà sư Thích Nhất Hạnh được nhà xuất bản Lá Bối ấn hành năm 1964, tái bản nhiều lần sau đó và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Lào.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn