Bốn Kiếp Thuỳ Liễu:
Từ một Bắc Kinh rì rầm trong suy tư và bụi bậm đến những niềm lặng thinh của Cấm thành, từ kỷ nguyên của bầy kỹ nữ xúng xính nhung lụa cho đến cuộc Cách mạng văn hoá, từ những thảo nguyên ngập vang tiếng ngựa phi của từng đoàn quân Tác ta đến những đồng lúa đẫm máu hồng vệ binh, hai người không ngừng kiếm tìm nhau rồi lại mất bóng. Trong mớ hỗn độn đó, phải có một điều huyền diệu mới có thể làm họ sum họp….. Một tiểu thuyết tình yêu chăng? Đúng vậy. Nhưng cuốn tiểu thuyết trữ tình này cũng là một cuộc viễn du xuyên đại lục Trung hoa ngàn năm lịch sử. Đây là một truyện huyền thoại đôi lúc lẫn vị chát của trà đắng.
“Vào năm 1430, con tàu buôn tơ lụa của một thương gia giàu thả neo ở cửa sông Tương đổ vào hồ Động Đình trước lầu Vọng Nguyệt. Khi chủ nhân bận tiếp đãi đám khách thương trên thuyền, thì Sùng Dương, cậu con trai của thương gia này, cùng với vị gia sư và hai người hầu nữa trèo lên một chiếc thuyền con bơi thẳng vào thành Quế Dương.
Cậu trai mới lên sáu tuổi. Nhưng cậu thuộc vô vàn thơ cổ và thường đến ngẫm ngợi ở những nơi các nhà thờ xưa vẫn thường lui tới.
Nhiều người đang đi trên phố phải dừng lại để ngắm khuôn mặt dĩnh ngộ đáng yêu và bộ trang phục sang trọng của cậu. Dù biết có những ánh mắt đầy ngạc nhiên đổ dồn về phía mình, cậu trai vẫn giữ được phong thái tự nhiên, đĩnh đạc y như người lớn.
Ở dưới chân lầu Vọng Nguyệt, một đạo sĩ phái Lão gia, ăn mặc rách rưới, không ai đoán nổi tuổi, đứng chắn đường cậu bé. Sùng Dương bảo người hầu ra đưa tiền bố thí. Đạo sĩ đoán ngay cho cậu một quẻ đại cát với những cuộc hữu duyên kì ngộ, tiếng tăm lẫy lừng và phú quí vô song. “Nhưng, lão thầy tu nói thêm, đó chỉ là những thứ phù du”. Lão đạo sĩ không lấy tiền bố thí mà buông một tiếng thở dài, vừa lắc đầu quay bước bỏ đi về phía hồ. Một thoáng sa, màu áo xám của lão đã hoà lẫn với màu nuớc hồ lấp lánh, rồi lão biến mất như thế đã bị những đợt sóng nuốt chửng.
Ngày hôm sau, người cha và cậu con trai được một vị quyền chức mới cơm. Vị quan này muốn tặng cậu con trai một món quà, nên sai lũ người hầu bê từng chiếc mâm phủ nhiễu điều diễu qua trước mắt cậu: nào vàng, nào sách hiếm, rồi các dụng cụ âm nhạc và cả những đồ chơi chạy máy của nước ngoài. Sùng Dương bấu chặt vào ghế, cúi gằm mặt, không chịu chọn món nào. Ai cũng cố ép cậu. Cậu chỉ im lặng. Người cha vẫn làm bộ vui vẻ và buông lời cười cợt tình nhút nhát của con trai mình. Nhưng ông hạ giọng, mắng mỏ cách ứng xử vô cùng không thích hợp của cậu. Đôi mà Sùng Dương thoắt đỏ bầm, cậu cất giọng lí nhí đáp lại rằng cậu dửng dưng với mọi thứ quà tặng đó. Vị quan coi câu trả lời của cậu con trai là một điều xỉ nhục đối với mình, và ông nổi giận . Cha của Sùng Dương không ngớt lời xin lỗi. Những người có mặt thầm thì bàn tán.
Đầu cúi xuống, cậu con trai đứng dậy và bỏ ra ngoài. Người ta chạy đuổi theo cậu. Cậu đến bên bờ ao có cây thuỳ liễu đang giơ tán lá tuyệt đẹp ra vuốt ve mặt nước. Cậu bé nhón chân ngắt lấy hai cành dài và ôm chặt vào lòng.
“Đây là quà cho ta”, cậu nói nhỏ. Rồi nghe thấy tiếng người cười, cậu xấu hổ bỏ chạy mất.
Người cha và cậu con trai trở về nhà theo dòng Lục Ngạn. Sùng Dương không thể rời mắt khỏi hai cành liễu. Cậu cắm hai cành liễu vào một chiếc lọ men sứ, chúng đung đưa theo nhịp sống trên sông. Vừa về đến nhà là cậu vội vàng đi trồng chúng ngay dưới cửa sổ phòng mình. Cả nhà buồn cười vì việc làm của cậu. Ai cũng nói chúng không thể sống được đâu. Cậu bé như không nghe thấy gì cả. Ngày nào cậu cũng tưới và say mê ngắm nghía hai cành liễu. Chúng bén rễ, lá non bắt đầu chồi ra. Chỉ ít năm sau, hai cành liễu đã lớn thành hai cây liễu với bộ tóc dài mượt mà rủ xuống tận đất………”
Mời bạn đón đọc.