Đọc và suy ngẫm cùng “Bố bố bố” của Hà Thiếu Công
(VTV Ngày 26/9/2007)
Ngày nay, nhắc đến Trung Quốc, người ta thường nghĩ về quốc gia tỉ dân này với một nền kinh tế phát triển và đang không ngừng lớn mạnh. Nhưng không phải tất cả đều như vậy, trong góc khuất của vùng đất rộng lớn này, vẫn còn những con người với cuộc sống khốn khó và tồn tại cùng nó là những quan niệm hết sức hủ lậu. Mời các bạn cùng tìm hiểu một phần vấn đề này qua tác phẩm “Bố bố bố” của nhà văn đương đại lớn của Trung Quốc – Hà Thiếu Công, do nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành qua bản dịch của Trần Quỳnh Hương.
“Bố bố bố” và ” Mẹ chó” – đấy là vỏn vẹn 2 từ mà cu Bính – nhân vật chính trong truyện nói được. Cu Bính là một kẻ ngớ ngẩn, một cậu “trẻ con già” mà hình thù dị hợm rất tương xứng với sự ngu ngốc của cậu. 2 tuổi cu Bính biết gọi từ bố bố và mẹ chó. 5 tuổi nó cũng chỉ nói được từng vậy. 8 tuổi không thêm một từ nào. 20 tuổi, rồi 40 tuổi, vẫn cứ là cu Bính.
Ai cu Bính cũng gọi là bố. Nhưng lại chưa một lần được nhìn thấy bố thật. Tác giả viết: “nghe nói bố nó chê mẹ nó xấu, chê thằng con nghiệp chướng điên điên khùng khùng nên đã bỏ nhà đi buôn thuốc phện, từ đó đến nay không thấy quay về. Câu chuyện là một hành trình cho bạn đến với cuộc sống của một vùng núi ở nước Trung Hoa mênh mông, khi họ chưa làm rung chuyển cả kinh tế thế giới.
Cu Bính sống trong một ngôi làng cổ kính ở cực Nam Trung Quốc. Những huyền thoại, lòng mê tín, số mệnh được xem như những cái bóng khổng lồ bằng đá đè nặng lên con người nơi đây. Trong khung cảnh đó, cu Bính đã trở thành một biểu tượng khiếp đảm và bất an của một trạng thái tâm thần tập thể. Cái sự mông muội trong nhận thức của người dân ở đây thể hiện ở thái độ đối xử đối với cậu. Trước thì nguyền rủa, đánh đập, chửi bới khinh hạ, miệt thị, dùng làm vật thí mạng, vật tế thần cho những tai ương đã giáng xuống làng. Và chính họ, sau đó khi có chiến tranh, lại xem cu Bính như một vị thần cứu giúp để tôn thờ.
Giữa thời hiện đại, cái bản nhỏ ở đây như từ thời nguyên thủy còn sót lại. Sự sống cũng có đủ mặt, người ta cũng lo ăn uống, cúng táp, lấy vợ, gả chồng, yêu thương, nghi ngờ cãi cọ nhau. Nhưng trong hoàn cảnh mà đến cái ăn tối thiểu chưa bảo đảm, con người như rạp xuống ngang cây cỏ, sự sống nhem nhuốc, nhếch nhác. Người già mốc meo đi và người trẻ lấm lem từ khi mới lớn. Những cái dường như không thể tin được lại hiện ra trong sách như là những nhân tố tồn tại rất sâu trong xã hội. Đấy là chuyện có những người đàn bà, chế các loài côn trùng độc thành bột và đi đầu độc người khác với lí do: nếu hành động trót lọt, kẻ đầu độc sẽ được tăng thêm một tuổi. Ghê sợ hơn, người ta còn nấu chín cả kẻ thù cho cả dân làng ăn để có thể thắng được đối phương trong giao chiến. Dân bản không biết đến từ ” bảo thủ”, không tin là có giầy đinh vì chỉ ngựa hoặc la mới đóng đinh vào vó và tôn sùng những người đóng gạch vì cho đó là một điều vô cùng khó khăn. Tất cả khiến người đọc thoáng thấy nghi ngờ, nhưng tự lúc nào đã bị cuốn theo tác giả, nhìn xã hội bằng con mắt phát hiện của tác giả.
Không chỉ là những phát hiện về xã hội, tác giả còn thâu suốt tác phẩm bằng một tinh thần nhân văn sâu sắc. Đọc những cảnh cu Bính bị từ người lớn cho đến đứa trẻ nhỏ gõ đầu, trêu trọc bắt gọi mình là bố, cảnh cu Bính với dáng đi lạch bạch, mũi dãi chảy vòng quanh, cái đầu to tướng không bao giờ giữ thẳng được, người ta không thấy dị hợm mà trào lên một niềm thương cảm. Cảnh mẹ cu Bính, bác cu Bính, những người dân hiền lành và thuần chất nhất đang mỗi ngày phải chui sống trong bóng tối của sự nghèo đói văn hóa. Ta thấy thương cho những suy nghĩ ngờ ngệch đến độc ác vô ý thức của họ.
Dịch giả Trần Quỳnh Hương đã khá thành công để chuyển tải đến người đọc cái tinh thần tiêu biểu trong ngòi bút của Hàn Thiếu Công. Đó là tính độc đáo trong lối viết và cách nhìn của mình đối với văn hóa truyền thống.
Phạm Hà
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn