Xem sách hay

Biển – Tái bản 2007

Mua ở đâu?
John Banuille

John Banuille

Biển:
Khi Max Morsden, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật trở về vùng đất ven biển nơi ông đã từng trải qua thời thơ ấu, đó là khi ông đang chạy trốn khỏi nỗi đau mất đi người vợ yêu quý, và đối mặt với một chấn thương tinh thần ngày xưa.

Vào một ngày hè đã xa, gia đình nhà Grace xuất hiện nơi đây như từ một thế giới khác. Ông Grace, bà Grace, với sự nhẹ nhõm và tô tư của họ, không giống bất kỳ người lớn nào mà cậu bé Max Morden từng biết tới. Nhưng chính những thiếu niên cùng tuổi với cậu, hai đứa con sinh đôi kỳ lạ nhà Grace, mới là tâm điểm thu hút. Tình yêu vọng tưởng mà cậu dành cho bà mẹ Connie Grace chuyển sang cô con gái Chloe Grace lập dị và quyến rủ. Rồi tấn bi kịch đã xảy ra, trên vùng biển hoang sơ mang sắc thái tăm tối nhưng vĩ đại như chính bản thân cuộc sống, cho cậu cảm nhận đầu tiên về cái chết, ám ảnh cậu suốt phần đời còn lại, vĩnh viễn làm thay đổi những gì đến sau…

Được viết với một thứ văn xuôi sáng rõ, đẹp đẽ đến độ ám ảnh, Biển vừa xoa dịu nỗi đau vừa là một khúc suy tưởng kỳ lạ về bản thể và dĩ vãng. Cuốn hút, cảm động và soi sáng, không còn nghi ngờ gì, đó là một trong những tác phẩm văn chương ưu tú nhất đến từ một bậc thầy xuất chúng về ngôn ngữ của văn chương thế giới.

Cuốn sách đoạt giải Booker 2005 của John Banville, qua sự chuyển ngữ bậc thày của Trịnh Lữ, một “tác phẩm ngôn từ” đã được tái hiện đẹp đẽ trong tiếng Việt.

Biển được thuật lại bởi Max Morden, một người đàn ông mới góa vợ. Ông đến một vùng nghỉ mát ven biển nơi mình đã trải qua kỳ nghỉ hè với cha mẹ khi còn là một đứa trẻ. Bề ngoài, ông đang làm một khảo cứu về họa sĩ Bonnard, nhưng thực chất chính sự lôi cuốn của biển và quá khứ đã dẫn ông về đây. Vẫn đau buồn về cái chết của người vợ Anna, vẫn vật lộn với nỗi đau phải chứng kiến người thân yêu của mình mòn mỏi rồi ra đi, trong khi bản thân mình vẫn tồn tại, cùng nỗi khó khăn khi phải tiếp tục sống, một mình.

Sự lôi cuốn của biển nơi vùng đất riêng biệt này trở nên mạnh mẽ với những lý do không phải đã rõ ràng ngay lập tức. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là nỗi hoài tiếc tuổi thơ đã mất, hay một chuyến trở về với mảnh đất hạnh phúc, an toàn và giản dị hơn của ngày xưa. Quả thực, còn có bóng tối, sự dữ dội và tiêu điều của vùng biển, gợi lại một ký ức vừa ngọt ngào vừa đau đớn.

Câu chuyện là sự trở đi trở lại giữa hiện tại và quá khứ, giữa chuyện mới xảy ra, cái năm tai họạ khi Anna suy sụp rồi chết, tới mùa hè thời niên thiếu khi cậu bé Max Morden trải qua cùng với gia đình Grace, một gia đình trung lưu đã đến vùng biển để nghỉ hè. Đầu tiên cậu bị người mẹ thu hút, nhưng khi đến gần hơn hai đứa con sinh đôi nhà Grace, Chloe và Myles câm lặng, thì rốt cuộc, cậu quay sang mê mẩn cô con gái. Sự thất thường kỳ dị của Chloe, và mối quan hệ gần gũi của cô gái này với đứa em trai – một mối liên kết không thể hiểu nối với người ngoài – đã là một điều bí ẩn đối với Max, theo cái cách thế giới với tất cả những điều còn chưa biết đến của nó đều khiến những đứa trẻ vừa mê mẩn vừa hạnh phúc, cái thế giới nguyên sơ, tăm tối, đầy cảm giác đó. Rồi cái chết sau đó của hai chị em sinh đôi, như một chấn thương đầu đời của Max, cũng là lần đầu tiên cái chết hiện ra, đột ngột, lạnh lẽo, đơn giản, không thể hiểu nổi với một đứa trẻ. Sau này, cái chết của Anna vừa đồng vọng, vừa làm sống dậy những ký ức sâu sa đó, trên cái nền vĩ đại và sống động của biển.

Với Biển của Banville, ký ức cũng có thể chơi trò chơi của mình, và hành trang của Max chính là một hòa trộn giữa những sự kiện sáng rõ và những câu hỏi tự thân. Banville đã miêu tả một cách bậc thày, việc chúng ta sống lại quá khứ như thế nào – quá khứ là một hòa trộn giữa những ký ức ta chọn và những ký ức thống trị ta, và những chuyển dịch giữa sáng rõ tuyệt đối và mơ hồ mơ mộng. Max tưởng tượng mình đang sống đơn độc trong những ký ức được nhớ lại từ quá khứ, nhưng ông nhận ra – và từng bước chứng thực – rằng ký ức không thường hằng, cái dải mờ có khe rạn đó, rằng nó, quả thực như một sự cương phồng khổng lồ vĩnh viễn đổi thay, đó chính là biển cả.

Biển mang lại cho ta cảm giác về một câu chuyện thật tình cờ, một người đàn ông buồn khổ uống quá nhiều rượu và suy ngẫm lại cuộc sống một cách ngẫu nhiên. Những cú nhảy giữa hiện tại, quá khứ với Anna và thời thơ ấu của Max, hầu như đã che giấu việc câu chuyện đã được xây dựng xuất sắc đến mức nào, với biết bao những manh mối nhỏ về những điều khác biệt được rải rác cài trong các đoạn. Đó là cuốn sách xứng đáng để ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cũng như vậy, ngôn từ của Banville có thể làm độc giả choáng ngợp, với những câu như “bát nước khổng lồ kia đang cương phồng lên như một vết phỏng rộp xanh lét bóng nhẫy một cách ác hiểm” và cứ như thế… Ở đây, tình tiết đã bị đe dọa lấn át bởi phong cách.

Cuối cùng, chỉ xin dẫn lời của John Crowley của tờ The Washington Post dành cho tác phẩm xuất sắc đoạt giải Booker 2005 của một bậc thày về ngôn từ của không chỉ văn chương nước Anh:

“Dường như Max (và người sáng tạo ra mình) không chỉ tham gia vào việc tạo nên những hành động của nhân vật xuyên qua thời gian – một công việc bình thường của tiểu thuyết – mà vẽ nên những khoảnh khắc khi tất cả đã ngưng đọng lại, như trong một bài thơ hay một bức tranh… Sức mạnh, sự lạ lùng, và vẻ đẹp của những đoạn văn trong đó chính là tất cả, và là một điều kỳ diệu”.

Sự kỳ diệu đó có thể được cảm nhận đầy đặn qua một bản dịch có thể được coi như một dấu son trong sự nghiệp dịch của bất kỳ một dịch giả tài ba nào. Quả thực, lần này nữa là với Biển, Trịnh Lữ đã làm được nhiều cho tình yêu của ông dành cho tiếng Việt mẹ đẻ.


Mời bạn đón đọc.




Biển
(VTV1 Ngày 06/03/2007)

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Biển

Khúc suy tưởng về bản thể và dĩ vãng

(Ngày 30-03-2007)

Một bãi biển không tên, để người ta có thể hiểu, nó hiện diện đâu đó, ở mọi nơi trên thế gian này. Vài nét phác, đủ gợi, có bầu trời, cát, mặt nước, mấy cánh chim, cái vỏ mục nát của một con tàu xưa cũ… Bãi biển của tuổi thơ, của quá vãng, nhìn qua mông lung sương mù ký ức.

Đẹp u uất. Lũ chim biển quang quác chao lượn hốt hoảng, có vẻ thế, trước cảnh tượng cái bát nước khổng lồ kia đang cương phồng lên như một vết phỏng rộp xanh lét bóng nhẫy một cách ác hiểm. Trải dài suốt tác phẩm là những câu văn lộng lẫy như thế. Bất cứ câu nào cũng có thể gạch chân- nếu người đọc tác phẩm có một thói quen ấy. Tác giả là một phù thủy của ngôn từ, dịch giả cũng rất đỗi tài hoa. Những con chữ lấp lánh dừng ở cái biên giới chênh chao giữa đẹp và… sến. Chỉ đi quá một bước, cái “lấp lánh” kia sẽ lấn át tất cả mà trở thành “mỹ nghệ ngôn từ”, rổn rảng mà rỗng. May thay tất cả dừng lại đúng lúc!

Nhân vật xưng tôi, thêm một gia đình, vài gương mặt lụi lầm đi ngang “sân khấu”, một căn nhà cũ kỹ nghe hơi thở của muối, gió, thời gian thấm sâu vào từng ngõ ngách. Không có câu chuyện cụ thể nào được kể ở đây. Tác giả đập gương xưa tìm bóng, rồi ghép mảnh cũ tái hình. Tất cả lụn vụn, triền miên, thoắt đó thoắt đây, thoắt ẩn thoắt hiện… Quá vãng là một giấc mơ. Giấc mơ là trật tự của vô thức. Người ta chẳng thể đưa bàn tay ý thức thô thiển vào đặt lại mọi thứ theo một trật tự cứng nhắc, cổ điển. Trong ấy có tình yêu không? Hình như có, mà chẳng hẳn thế. Trong ấy có nỗi đau không? Dĩ nhiên rồi- có tác phẩm văn học nào không ẩn giấu nỗi đau, mà không chắc vậy. Cái nỗi đau khi đã lắng sâu trở thành trầm tích của tâm hồn, nó sẽ không còn khiến người ta giãy lên từng cơn nữa. Nó trải dài như một bè trầm khiến kẻ thưởng thức rợn gai không thể nào lý giải. Chỉ khi lùi ra một quãng, sau phút buông trang cuối của cuốn sách xuống nhiều ngày, người ta mới thấy hiện dần lên trong bức tranh u uẩn kia những hình hài, những mối tình, những quan hệ, những nhầm lẫn, và cái chết… rồi ám ảnh khôn nguôi.

Biển của John Banville đã vượt qua một trong những kỳ giải thưởng Man Booker nhiều tranh cãi nhất, đoạt giải. Để lại sau ông những tên tuổi lẫy lừng khác, Paulo Coelho, Salman Rushdie… Một kỳ giải thưởng có nhiều người cho là duy mỹ. Không, duy mỹ chỉ là con tàu, được định vị bởi một cái neo nhân bản, thân phận con người, thân phận tình yêu…

NGUYỄN DANH LAM

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Harry Potter Và Bảo Bối Tử Thần – Tập 7 – Tiếng Việt

(Thứ Năm, 03/01/2008)
Sẽ có Harry Potter tập 8
Tác giả của Harry Potter, bà J.K.Rowling, không loại trừ việc bà phải viết một quyển truyện thứ tám để nối vào bộ bảy tập về cậu bé phù thủy Harry Potter. “Tôi có nhiều giây phút yếu lòng, nhất là khi đứa con gái Jessica 14 tuổi của tôi “gây áp lực” buộc mẹ nó phải viết tiếp bộ truyện Harry Potter.

Nhiều lúc tôi đã chào thua với nó mà buộc miệng “Ừ, được rồi”, nhà văn thú nhận với tạp chí Time. Tuy nhiên, bà tiếp: “nếu viết quyển thứ tám, tôi sẽ không đặt Harry làm nhân vật trung tâm nữa. Và cũng phải đợi khoảng… mười năm nữa tôi mới có thể trở lại với quyển tám đó”.

Theo Time, bà J.K.Rowling hiện làm việc với hai dự án. Bà đang viết một quyển tiểu thuyết dành cho người lớn và “một truyện thần tiên có mùi vị chính trị”.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Người Truyền Ký Ức

(Thứ bảy, 16/02/2008)
Người truyền ký ức
Với cách đặt vấn đề độc đáo, cuốn sách đưa bạn đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, để khi lật giở đến trang cuối cùng, nó khiến bạn không thể vô tình với những gì hiện hữu xung quanh…

Chiếm gần hết số trang tác phẩm là một thế giới quá yên ổn mà Jonas đang sống. Sự êm ả trong một không gian trung tính khiến người đọc khựng lại khi bước vào thế giới không màu sắc này – nơi mà mỗi buổi tối, các thành viên trong gia đình có buổi trình bày về cảm xúc, còn buổi sáng phải nói thành thực về những giấc mơ; nơi mỗi đứa trẻ từ những rung động đầu tiên đã bị dập tắt bởi những viên thuốc uống đều đặn đến cuối đời.

Cả cộng đồng của Jonas sống bằng những luật lệ kiểm soát hết sức chặt chẽ, hầu như ít khe hở cho một không gian riêng tư… Có quá nhiều điều tốt đẹp được thiết lập từ đây. Hầu như không có mâu thuẫn, không có nỗi đau, không có sự lo lắng đến nghẹt thở – nhờ luật chống khiếm nhã. Quá khứ của mỗi người bị khép chặt, tất cả những đứa trẻ đều là con nuôi. Tương lai của mỗi người được các bô lão theo dõi từ tấm bé để Hội đồng quyết định nghề nghiệp trong lễ Mười hai. Nếu ai đó đi chệch khỏi quỹ đạo này, họ sẽ bị “phóng thích”.

Tại lễ Mười hai ấy, Jonas nhận nhiệm vụ khiến cậu ngỡ ngàng: người tiếp nhận ký ức. Và vị trí đặc biệt này giúp cậu cởi trói dần khỏi những luật lệ sít sao của cộng đồng. Jonas không còn phải uống thuốc mỗi ngày, không còn bị điều khiển bởi các điều luật. Và cậu ngỡ ngàng đón nhận quyền hạn kinh khủng nhất: “được nói dối”.

Ký ức nỗi đau, nghèo đói, chiến tranh, màu sắc, tình yêu… thức tỉnh trong cậu bé cái nhìn đầy ngờ vực về cộng đồng. Bước ra từ xã hội đang vận hành yên ổn này, cậu bắt đầu ý thức, những trật tự hoàn hảo ấy cũng đồng thời có những khuyết thiếu. Nhất là khi cậu chứng kiến bố tự tay làm lễ “phóng thích” một đứa trẻ trong cặp song sinh, một hành động giết người được huấn luyện thuần thục đến mức người ta chỉ đơn giản cho rằng đó là một nhiệm vụ cần thiết.

Bật lên trong cuốn sách là cái nhìn trong trẻo của một con người với khát khao được sống bằng những xúc cảm, những lý lẽ của riêng mình. Dễ hiểu vì sao, người tiền nhiệm của Jonas đã tự nguyện xin được “phóng thích” sau khi tiếp nhận ký ức, và tới lượt Jonas không thể chịu đựng nổi cứ phải tiếp tục sống như thế…

Cuốn sách được viết từ năm 1993 này có một lý lẽ lay động về cuộc sống. Nó không như một bài giảng dạy đơn thuần rằng người ta cần thiết nên làm thế này, thế kia, mà khiến mọi người ý thức hơn về những gì mình đang có, về không gian mình đang sống, và về cả ước mơ được nhen nhóm trong đó.

Lois Lowry là một nhà văn Mỹ, bà đã nhận nhiều giải thưởng: giải Dorothy (Đánh số sao trời), huân chương California Young Reader (Mùa hè để chết, Mọi điều về Sam), giải Mark Twain (Mọi điều về Sam), huân chương Newbery (Đánh số sao trời, Người truyền ký ức)… Riêng cuốn Người truyền ký ức đến nay đã bán được 5,3 triệu bản ở Mỹ và được đưa vào danh sách đọc của nhiều trường trung học của Mỹ. Lois Lowry từng bày tỏ về cuốn sách thế này:

“Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền ký ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, ký ức, màu sắc, nỗi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thực. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó.

Đó là một điều mạo hiểm.

Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến tự do.

Đó là những điều nguy hiểm một cách quý báu và tuyệt diệu”.

Phúc Yên

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?