- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Bản Giao Hưởng Pháp
Nước Pháp những năm 1940. Sau một mùa hè tản cư rối loạn, đầy kinh hãi và cả đớn hèn, người dân bắt đầu bước vào thời kỳ buộc phải chung sống cùng quân Đức. Nghịch lý thay, giai đoạn tưởng chừng ngập tràn khiếp sợ này lại diễn ra hết sức êm đềm với những tình cảm con người trìu mến, trong đó có những mối tình thầm lặng, trong sáng, lãng mạn, ngập tràn chất thơ…
Bản giao hưởng Pháp được hết thảy giới nhà văn, nghiên cứu,phê bình, giới truyền thông và tất cả những ai từng đọc nó trên toàn thế giớ tôn vinh như một viên ngọc quý của nền văn học. Dù còn dang dở, song kiệt tác này vẫn “kịp” miêu tả thành công cái nền chân thực của một tấn trò đời thời chiến, ở đó, toàn bộ tài năng của tiểu thuyết gia được bộc lộ thông qua nhân vật trong vô số gương mặt thuộc mọi giai tầng khác nhau. Đó chính là lý do giải thich vì sao Irène Némirovsky được coi như một văn sĩ hiếm hoi đã diễn tả đầy
sức mạnh và sinh động cuộc sống hậu phương thời chiến ở một tầm vóc sử thi. Và khiến bà trở thành nhà văn quá cố duy nhất cho tới lúc này giành được giải Renaudot – một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của Pháp.
“… Khi anh trở về, vào giờ ăn xúp, anh thấy ngay lập tức là đã có một sự kiện xảy ra trong khi anh vắng mặt. Cậu bé người làm đi lên thị trấn mua bánh mì; cậu ta mang về bốn cái bánh mì đẹp đẽ vàng ruộm hình vòng treo ở ghi đông xe đạp; đám phụ nữ vây quanh cậu. Nhìn thấy Jean-Marie, một cô gái kêu lên với anh:
– Này! Anh Mi chaud, anh hài lòng nhé, bưu điện hoạt động rồi.
– Không thể thế được, – Jean-Marie nói, cậu, – cậu có chắc không, cậu bạn?
– Chắc. Em thấy bưu điện mở cửa và có những người đọc thư.
– Thế thì tớ lên nhà viết vài dòng cho gia đình tớ rồi chạy ra thị trấn bỏ thư đây. Cậu cho tớ muợn xe đạp của cậu được chứ?
Đến thị trấn, anh không chỉ bỏ thư ở bưu điện mà còn mua những tờ báo vừa mới tới. Tất cả những cái đó thật là kỳ cục! Anh giống như một kẻ đắm tàu tìm lại được quê hương, nền văn minh, xã hội của những kẻ giống mình. Trên quảng trường nhỏ mọi người đọc những bức thư tới trong chuyến thư buổi tối; đám phụ nữ khóc. Nhiều tù binh gửi tin tức về, nhưng họ cũng cho biết tên các đồng đội đã chết. Như mọi người ở trang trại đã yêu cầu anh, anh bèn hỏi có ai biết anh con trai Benoit ở đâu không.
– A! Thế ra anh là anh lĩnh sống ở đấy đó à? – mấy bà nông dân nói, – Chúng tôi thì chẳng biết gì đâu, nhưng bây giờ thư từ đến rồi, chúng ta sẽ biết những người đàn ông của chúng ta ở đâu!
Và một trong những người này, một bà già, để đi ra thị trấn, đã đội một chiếc mũ đen nhỏ chóp nhọn, cài một bông hồng trên đỉnh đầu, vừa nói vừa khóc:
– Sẽ có những người biết tin khá sớm đấy. Tôi muốn thà đừng nhận được tờ giấy chết tiệt này còn hơn. Thằng con tôi là thuỷ thủ trên chiếc Bretagne đã bị mất tích khi người Anh phóng ngư lôi vào tàu, người ta bảo thế. Thật là khốn khổ!
– Bà đừng đau buồn. Mất tích không có nghĩa là chết. Có thể anh ấy bị bắt làm tù binh ở Anh.
Nhưng đáp lại tất cả những lời an ủi, bà vừa chậm rãi trả lời vừa lắc đầu và bông hoa giả rung lên theo từng cử động trên chiếc cọng bằng dây đồng.
– Không, không, thế là thôi rồi, thằng bé tội nghiệp của tôi! Thật là khốn khổ…
Jean-Marie lên đường về làng. Dọc đường anh gặp Cécile và Madeleine đi ngược về phía anh; hai cô hỏi cùng một lúc:
– Anh có biết tin gì về anh trai của em không? Anh có biết tin gì về Benoit không?
– Không, nhưngđiều đó không có nghĩa gì hết. Các cô có biết là có bao nhiêu thư từ bị chậm trễ không?
Bà mẹ thì không nói gì. Bà đưa bàn tay vàng vọt và gầy guộc lên che mắt, nhìn anh, anh lắc đầu ra hiệu là không. Xúp đặt trên bàn, những người đàn ông trở về, tất cả cùng ăn. Sau bữa ăn tối và khi bát đĩa đã được lau khô, gian phòng đã được quét dọn, Madeleine đi hái đậu ngoài vườn. Jean-Marie đi theo cô. Anh nghĩ là chẳng bao lâu nữa anh sẽ rời trang trại và tất cả dưới mắt anh trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn…”
– “Sau nhật ký của Anne Frank, có thể coi Bản giao hưởng Pháp của Irène Némirovsky là một sự kiện lớn, độc đáo cả về khía cạnh văn học lẫn lịch sử. Một kiệt tác” – L’Express
– “Tuyệt vời! Một tác phẩm ngnag tầm và đạt đến độ tinh tế như những tác phẩm của Marcel Proust, với những diễn biến khôi hài và cảm động sâu sắc” – Time
– “Siêu việt, đáng kinh ngạc… có thể coi tác phẩm này của Irène Némirovsky là cuốn tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng hư cấu về chủ đề chiến tranh” – The Pittsburgh Post-Gazette.
Mời bạn đón đọc.
Bản giao hưởng Pháp
Némirovsky muốn ghi lại thời đại mà chính bà đang đắm mình trong những biến cố bão táp của nó bằng một tổ khúc giao hưởng vừa êm dịu vừa bi tráng, nhưng tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời bà đã không được hoàn thành.
Némirovsky muốn ghi lại thời đại mà chính bà đang đắm mình trong những biến cố bão táp của nó bằng một tổ khúc giao hưởng vừa êm dịu vừa bi tráng, nhưng tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời bà đã không được hoàn thành.
Người đọc hơn 60 năm sau (tác phẩm được công bố vào năm 2004 ) có thể còn ngạc nhiên vì năng lực tiếp biến một cách nhuần nhị và sâu sắc những sự kiện khủng khiếp đã làm đảo ngược toàn bộ thế giới khách thể của con người, thành những diễn biến nội tại vô cùng tinh tế trong tâm thức. Tính chất suy ngẫm ở mức độ đáng ghi nhận, phạm vi vấn đề cũng như chiều sâu bao quát cảm xúc và tâm thái… khiến cho Suite Francaice thực sự là một bản giao hưởng với những phức âm mạnh mẽ, những bè đệm đan xen và tính chất trang nghiêm sâu lắng trong một tổng thể hùng tráng.
Không phải đợi tới khi những cột khói hình nấm cao hàng nghìn mét cuộn lên trên bầu trời nước Nhật để ngã ngũ Thế chiến II tàn khốc, người ta mới cảm nhận về một loài người mất nơi trú ẩn. Nơi trú ẩn không phải sự kiên cố hay tiện nghi của đời sống vật chất mà là những tín điều, là sự tin chắc vào bản thể tồn tại của mình, từ thời tối cổ. Sự sụp đổ của niềm tin bản thể đã được dự báo và thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người từ trước đó, trong cái nhìn của các triết gia cuối thế kỷ 19. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Némirovsky chọn góc độ khắc họa chiến tranh như sự tan vỡ của đời sống có tổ chức của con người, mà cơn gió dữ của bạo lực giết chóc có lẽ chỉ là cái cớ.
Những biến cố trong đời sống xã hội thượng lưu Paris khi cơn “bão tháng Sáu” quét qua, chỉ là giọt nước cuối cùng để làm tràn chén sống vốn đầy những nghịch lý và bất thường. Nhà văn nổi tiếng Gabriel Corte ý thức cao về đẳng cấp, có biệt đãi với “nhân tình chính thức”, nhưng cô nhân tình khi sửa soạn chạy tản cư đã bỏ lại tập bản thảo tâm huyết của ông, giành chỗ cho hộp trang điểm. Bà tư sản Péricand xuất thân danh giá luôn lấy lòng độ lượng với kẻ dưới làm phương châm xử thế, nhưng trên đường tản cư, khi những cửa hiệu trống rỗng với dòng người mỏi mệt đói ăn bất tận tràn qua, lòng nhân từ giáo điều ấy đã sụp đổ, thay thế bằng sự điên tiết, khi các con bà đứng ra phân phát chỗ thực phẩm ít ỏi mang theo.
Tiếng nổ của những trái bom đầu tiên trút xuống Paris cũng là dịp xác đáng để mỗi tầng lớp xã hội đánh giá tầng lớp còn lại một cách trực diện, không khách sáo.
Nhà sưu tầm đồ cổ trứ danh Charlie Langelet tự cho mình quyền phán xét cái nhân loại thấp hèn, đang nháo nhác chạy trốn hòng cứu vãn sinh mạng rẻ rúng của họ, và chỉ một viên đá lát đáng tôn kính của điện Louvre, hay những lâu đài vùng sông Loire, những thứ thuộc về một thế giới “của cái đẹp” cao siêu, bất tử mà chỉ những kẻ như ông mới thấu hiểu được, cũng giá trị bằng hàng nghìn sinh mệnh kiểu đó.
Bác quản gia Marcel thì nghĩ ngợi: “… Chẳng phải khốn khổ sao khi thấy những người giàu có và nổi tiếng lại không biết xét đoán gì hơn lũ súc vật”. Trong mắt chị công nhân phải làm việc thay chồng đang bị động viên ra mặt trận, nhà văn nổi tiếng cũng như giới thượng lưu chỉ là loại người “có thể nhìn chúng ta chết thảm hơn chó… Lão ta viết sách và viết kịch cho nhà hát. Một lão điên, theo như ông tài xế nói, và đần độn tột bậc”.
Cuộc di tản khỏi Paris còn là tiến trình của những sự vỡ mộng cay đắng nhưng muộn màng, không có đường giải thoát cho bất cứ ai còn đức tin. Linh mục trẻ Philippe vốn biết cái ác được gieo mầm sẵn trong mỗi con người, nhưng lại tin tưởng quá mức vào cư xử nhân từ của mình, đến nỗi bị bọn thiếu niên trong nhà giáo dưỡng trẻ hư mà chính ông dắt đi lánh nạn, tấn công và hành hung cho đến chết. Cậu bé Hubert Pericand trốn nhà đi chiến đấu cho tổ quốc thân yêu, nhưng khi tìm được quân ta, cậu bẽ bàng và hổ thẹn khi thấy đó chỉ là đoàn quân đã rã rời, cam phận đầu hàng. Cô vũ nữ nửa gái bao hạng sang Arlette, vốn chẳng có đức tin gì, thoát được khỏi đống đổ nát Paris lập tức nghĩ tới việc hòa nhập vào tầng lớp thượng lưu mới mà cô tin sẽ hình thành ngay sau cuộc bắn giết.
Trong cái thế giới náo nhiệt, phồn tạp, rồ dại… của cả tâm lý và sự kiện mà Némirovsky đã hư cấu nên để hình dung về nước Pháp của bà trong cơn bĩ cực, hợp âm chủ đạo chính là sự khắc họa trực tiếp con người, trong tư cách đạo đức và nhân tính. Con người với bản năng sinh vật trần trụi trong nỗi sợ hãi cái chết, tự phá tung những ràng buộc vốn đã thực dụng, trắng trợn, đầy tính vị kỷ, con người bất lực với những ảo tưởng về ngôi thứ… trở nên nhỏ nhoi, phù du, và không còn ý nghĩa trong một thực tại đã bị tước mất lý trí và mọi giá trị.
Khánh Phương
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn