Tôi đã khám phá ra bốn chân lý cao quý của tình yêu như thế nào?
Cách đây ít lâu, tôi và chồng, Duncan, liên tục xảy ra bất hòa. Sự bất hòa này không có trọng tâm, chủ đề hay đối tượng. Cứ như là chúng tôi bị ma ám vậy. Hễ thảo luận với nhau chuyện gì là chúng tôi lại xung đột, dù là mấy giờ đi xem phim, bát đĩa trong máy rửa là bẩn hay sạch, sử dụng ngân hàng nào, hoặc chúng tôi có thực sự thuộc về nhau hay không. Thậm chí có lần chúng tôi còn cãi nhau về việc bây giờ là mấy giờ. Ngay một câu hỏi đơn giản như “Tối nay ăn gì?” cũng có thể khơi lên việc li dị. (Câu chuyện có thật: Vào buổi tối hôm tôi đưa ra câu hỏi này, chúng tôi đang lái xe trên một con đường làng và rồi vì sao đó, chúng tôi đã hét vào mặt nhau. Tôi bắt anh ấy đánh xe vào lề và cho tôi ra khỏi xe khi chúng tôi đang ở… Pháp. Tôi chẳng biết mình đang ở đâu nhưng tôi không quan tâm – tôi chỉ muốn ra khỏi xe. Tôi bước thẳng xuống một cánh đồng cho đến khi cảm thấy sợ và quay trở lại xe, người run lẩy bẩy.)
Khi định đi đâu đó, chúng tôi cãi nhau về việc sẽ làm gì lúc đến nơi. Khi có người nói điều này điều nọ, chúng tôi cãi nhau về việc người đó có ý gì. Khi tìm cách tháo gỡ các vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng, chúng tôi cãi nhau về việc lỗi nằm ở đâu và làm sao để giải quyết chúng. Tình trạng này không chỉ tiếp diễn trong vài ngày hoặc vài tuần, mà là vài tháng trời. Chúng tôi đã thử nhiều biện pháp: nói chuyện, không nói chuyện, làm tình, tránh mặt nhau, la hét, phớt lờ, và cuối cùng, ít nhất là ở phía tôi, khóc nức nở. Chẳng có gì biến chuyển. Mọi tương tác đều dẫn đến sự giận dữ, tổn thương hoặc tê liệt về cảm xúc. Tôi cảm thấy rất cô đơn và chắc hẳn chồng tôi cũng cảm thấy thế. Chuyện gì đang diễn ra vậy? Chẳng có gì đáng cãi vã, vậy mà mọi thứ đều dẫn đến xích mích. Thật khủng khiếp và mệt mỏi. Chúng tôi sợ lại gần nhau.
Tôi đã sẵn sàng thừa nhận thất bại trong hôn nhân. Tôi đã nghĩ, Mình chẳng biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu nữa. Và rồi có một giọng nói thì thầm với tôi: Hãy bắt đầu ở nơi bắt đầu. (Tại sao những giọng nói này luôn súc tích và chính xác đến như vậy? Và tại sao chúng không xuất hiện sớm hơn?) Nó tiếp tục: Ở nơi bắt đầu có Tứ diệu đế, hay bốn chân lý cao quý. Đó là:
Cuộc đời là bể khổ (vì mọi thứ đều thay đổi).
Bám víu là nguồn gốc của khổ đau.
Có thể chấm dứt khổ đau.
Có một con đường để chấm dứt khổ đau.
Vốn theo học Phật giáo đã hơn 20 năm, những lời này lập tức đánh động tôi. Pháp (dharma) sẽ nói gì về tình thế nan giải của tôi, tôi tự hỏi. Tại sao tôi chưa từng nghĩ đến chuyện ứng dụng Pháp vào trong mối quan hệ của mình?
Suy cho cùng, trong suốt hai thập kỷ qua, việc tìm hiểu và thực hành Phật giáo đã luôn hỗ trợ đắc lực cho tôi trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống. Nhưng liệu có thể áp dụng những chân lý cổ xưa này để tìm kiếm một mối quan hệ bền vững hay không? Tôi đã nghi ngại chuyện đó. Bởi lẽ phần lớn những bậc thầy vĩ đại đều sống trong các tu viện hoặc hang động, quay lưng lại với những thứ trần tục để có thể toàn tâm theo đuổi con đường tâm linh, cho nên tôi đã nghĩ rằng lời dạy của họ sẽ không liên quan gì đến những vấn đề trong đời sống tình cảm của tôi. Ý tôi là, họ sống trong các tu viện, chứ không phải trong các căn hộ. Họ thiền định trong rừng, chứ không phải trên tàu điện ngầm. Họ không có bạn đời, tài sản, nghề nghiệp hay tài khoản ngân hàng. Đúng là những lời dạy của họ về tình yêu và thế giới thiêng liêng của cảm xúc đều rất sâu sắc và thấu suốt, nhưng cho đến lúc đó, tôi chưa từng nghĩ sẽ áp dụng chúng vào chuyện tình yêu đôi lứa, những mối quan hệ và việc đổ vỡ tình cảm của con người thời nay. Sau khi thử áp dụng, tôi như được soi sáng và có thể xử lý các vấn đề tình cảm của mình – không phải theo kiểu qua loa đại khái, mà là có được một tấm bản đồ chính xác giúp tôi có lại tình yêu và sự thân mật. Điều tuyệt vời nhất là, tấm bản đồ này không chỉ có ích cho tôi mà còn cho cả chồng tôi, mặc dù anh ấy không theo Phật giáo. Để lĩnh hội được sự minh triết này, chúng ta không cần đến đức tin, giáo lý hoặc sự tu tập đặc biệt nào cả.
Việc áp dụng quan điểm của Phật giáo vào trong các mối quan hệ giúp chúng ta mở rộng tầm mắt. Nó vạch ra một thế giới quan hoàn toàn khác biệt, trái ngược với tinh thần của rất nhiều lời khuyên thông thường. Nó liên tục khơi gợi lòng hiếu kỳ hơn là đưa ra những kết luận, thậm chí không bao giờ đi tới kết luận, đồng thời không ngừng mở rộng tâm trí và trái tim. Nó coi việc không có lịch trình là một con đường để đạt tới. Nó đề xuất giải pháp cho các vấn đề ở thế giới bên ngoài là thực hiện các thay đổi ở bên trong, còn các vấn đề ở bên trong sẽ được giải quyết bằng cách xóa nhòa ranh giới giữa cái tôi và cái khác. Xem xét kỹ lưỡng những quan điểm này tức là lộn ngược bản thân hết lần này đến lần khác và, thay vì tìm ra những lời giải thích bằng cách ổn định bản thân trong trạng thái lộn ngược, chúng ta sẽ tìm ra thứ mình theo đuổi trong chính quá trình lộn ngược.
Theo như tôi được biết, đây là cuốn sách đầu tiên về các mối quan hệ mà người viết là một giảng viên Thiền người phương Tây, đồng thời cũng là một người vợ. Tôi muốn góp một phần sức lực nhỏ bé để đưa những học thuyết Phật giáo uyên thâm nhất ra khỏi tu viện, ra khỏi những cái bẫy văn hóa và đưa vào trong phòng khách của chúng ta, vào việc chúng ta đi chợ, vào những cuộc tranh cãi về tiền bạc, và vào ý nghĩa của tình yêu nói chung. Những giới hạn tôi phải đối mặt khi chia sẻ điều này với bạn cũng chính là những giới hạn của cá nhân tôi trong vai trò người học cũng như người dạy. Một mặt, tôi cũng lắm lúc nản chí vì biết rõ sự hạn chế về mặt tâm linh của bản thân, nhưng mặt khác, những trở ngại này khiến tôi đủ băn khoăn để liên tục đặt ra câu hỏi và suy xét kỹ lưỡng những ý tưởng của mình. Tôi không nói với bạn bằng kinh nghiệm rút ra từ một mối quan hệ hoàn hảo, tôi đến với bạn khi bản thân đang chìm sâu trong một mối quan hệ rạn nứt, chỉ là tôi được trang bị một chiếc túi thần kỳ chứa đựng hai thập kỷ học tập và thực hành Phật giáo nghiêm túc. Tôi hy vọng bạn sẽ thấy những điều tôi gửi gắm vừa hữu ích vừa chân thực. Mong rằng bạn sẽ thu được những lợi ích như nhau từ cả sự sáng tỏ lẫn mơ hồ của tôi.
Phần đầu của cuốn sách này sẽ đặt nền tảng cho công cuộc khám phá của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm hiểu Tứ diệu đế, hay Bốn chân lý cao quý, đã được Đức Phật dạy từ hơn 2.500 năm trước. Sau đó, áp dụng chúng vào các mối quan hệ dưới dạng Bốn chân lý cao quý của Tình yêu. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét từng chân lý thông qua việc bàn luận về các giáo lý cổ xưa cũng như những kinh nghiệm của cá nhân tôi khi áp dụng các giáo lý này vào mối quan hệ của mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên tắc và bài tập để thực hành Bốn chân lý cao quý của Tình yêu, và điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc phân tích tính lô-gic của chúng. Tuy nhiên, đọc hướng dẫn là một chuyện còn áp dụng những điều đã học được vào thực tế lại là chuyện khác, như tay đấm Mike Tyson từng nói: “Ai cũng có một kế hoạch cho đến khi bị đấm vào mồm.” Mấu chốt ở đây là mặc dù việc tìm hiểu các luật lệ ràng buộc có thể hữu ích, nhưng chỉ đến một điểm nào đó mà thôi. Sách rốt cuộc cũng sẽ được cất lên giá, và điều thực sự quan trọng là bạn có thể làm gì khi tình yêu tự nhiên nảy nở, trái tim vỡ thành từng mảnh hay những kế hoạch hoàn hảo nhất tan tành.
Cuối cùng, tôi sẽ chia sẻ ba bài tập có thể giúp bạn tiến xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc hiểu Bốn chân lý cao quý của Tình yêu. Chúng sẽ thực sự thay đổi cơ chế hoạt động của trái tim bạn, khiến nó trở nên cởi mở, linh hoạt và mạnh mẽ hơn, bởi những bài tập này có sức mạnh đào sâu lòng từ bi, trí tuệ và niềm tin vào tình yêu.
Bài tập đầu tiên là bài tập thiền nhận thức chánh niệm vô cùng quan trọng. Nó tạo nền tảng vững chắc cho mọi điều bạn sẽ đọc được trong cuốn sách này. Nó là trọng yếu nhất.
Bài tập thứ hai là thiền maitri (từ ái). Nó có hai dạng: trước tiên là dạng truyền thống và sau đó là dạng dành riêng cho các cặp đôi. Bài tập này sẽ dạy bạn về tình yêu vượt ngoài (nhưng vẫn chứa đựng) những gì bạn có thể cảm nhận.
Ở bài tập thứ ba, tôi sẽ đưa ra cho bạn một cách để trò chuyện với đối phương dưới dạng một bài thực hành tâm linh. Thay vì ngồi một mình và lặng lẽ xử lý tâm trí, kỹ thuật này đặt bạn vào trong mối tương tác trực tiếp với đối phương. Đây là một bài tập để thực hiện cùng nhau.
Mặc dù những bài tập này (nhất là hai bài tập đầu tiên) là cơ bản trong Phật giáo, nhưng tôi không gợi ý bạn và bạn đời nên trở thành Phật tử, tiếp thu một số đức tin hoặc bắt đầu tu tập tâm linh. Tôi đưa ra những bài tập này nhằm giúp bạn có phương cách xử lý suy nghĩ và cảm xúc của mình trong mọi mối quan hệ. Nếu không có một phương cách như vậy, bạn sẽ chịu sự chi phối của những thành kiến, những vết thương từ thời thơ ấu, những phán xét lỗi thời và những thói quen xấu. Bạn sẽ phóng chiếu tất cả những thứ này lên người khác, những người cũng đang phải vật lộn với tâm trí mình. Khi chuyện này xảy ra thì chúng ta không yêu bằng trái tim mà bằng chứng loạn thần kinh.
Mọi thứ trong cuốn sách này đều được sắp đặt để dẫn dắt bạn, hết lần này đến lần khác, đến bản tính tốt đẹp vốn có và khả năng yêu thương bất diệt của mình. Bạn sẽ được khích lệ để từ đó tiếp nhận quan điểm rộng lớn nhất về tình yêu, vốn không phải là nơi trốn tránh bảo vệ bản thân mà là con đường của sự can đảm và cởi mở dẫn đến hạnh phúc đích thực.
Mời bạn đón đọc.