Sách 170 trang như là sự gợi hứng để người đọc ngẫm lại những "bản năng gốc" của loài người, trong đó có "ăn, uống, nói, cười, khóc".
"Quàng xiên" nhưng tài tình
Trần Huiền Ân lấy mỗi từ làm mỗi chương sách để nói chuyện theo kiểu quàng xiên, nhưng là sự quàng xiên có duyên của một quá trình nghiên cứu dài lâu, xâu chuỗi tài tình, rồi cắt nghĩa dí dỏm. Cách viết này đã làm mới được nhiều ngữ nghĩa theo lối hiểu thực tế của đời sống hôm nay.
Đọc sách càng xác quyết hơn chuyện "ăn, uống, nói, cười, khóc" là "của chung", nhưng cũng là "của riêng" của thiên hạ. Vì cũng có vài xứ sở ưu trội hơn, nhất là các dân tộc chịu sự chi phối dài lâu của truyền thống cung đình, nơi 5 bản năng trên đã thành nghi lễ, lớp lang.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những từ diễn tả "ăn, uống" trong tiếng Việt thuộc hàng phong phú bậc nhất, bởi đó là kết quả hôn phối của sản vật đa dạng từ xứ nhiệt đới gió mùa cận biển và truyền thống xa xỉ, lễ nghi từ cung đình.
Không biết trong "ăn, uống, nói, cười, khóc", đều thuộc "đơn khiếu": cái miệng, Trần Huiền Ân "khoái khẩu" với thứ nào, vì sách này khá trung dung. Thế nhưng đi vào từng chương thì có trọng có khinh, dù không mấy lộ liễu.
Nếu trong "ăn" tác giả dành nhiều trang diễn tả quan niệm ăn thông qua thành ngữ, tục ngữ, thì trong "uống" lại tập trung nhiều hơn vào chuyện bia rượu, nhậu nhẹt. Nếu trong "nói, cười" đi sâu vào trong các ứng xử, lễ nghĩa thì trong "khóc" lại là các cung bậc tình cảm. Đọc câu: "Con chim tra trả, ai vay mà trả?/ Bụi gai sưng, ai vả mà sưng?/ Đây người dưng, đó cũng người dưng/ Cớ chi nước mắt rưng rưng nhỏ hoài?" (trang 157) với cắt nghĩa chỉ tập trung vào "chim trả", "cây sưng" mà lờ "nước mắt rưng rưng" thì cũng hiểu phần nào chọn lựa của tác giả.
Chất bình dân
Như tên gọi của tủ sách là Tiếng Việt giàu đẹp, sách này đã đi rất trúng đích, bởi tác giả vừa là nhà thơ, nhà nghiên cứu, vừa là nhà giáo có bản lĩnh nên đã tổng hợp, chắt lọc được những câu những chữ phản ánh đúng "tính giàu, tính đẹp" trong tiếng Việt.
Tất nhiên ngôn ngữ nào cũng có "tính nghèo, tính xấu" cả, nên tiếng Việt cũng không loại trừ. Vấn đề là ít khi người ta chịu bỏ công sức ra… "gạn trong, khơi đục", nên từ khi có chữ quốc ngữ đến nay, người "gạn đục, khơi trong" là chiếm đa số; và cũng thành nhân, thành danh nhiều hơn. Chẳng phải ca dao Việt đã tổng kết một cách minh triết đó sao: "Một vũng nước trong, mười dòng nước đục/ Một trăm người tục, một chục người thanh".
Phải nói ngay rằng đọc sách Ăn uống nói cười & khóc thấy gần gũi, nhưng để viết được như thế thì hoàn toàn toàn không dễ. Trần Huiền Ân bước vào đường văn chương từ năm 23 tuổi, từ thập niên 1960 ông đã là đồng biên soạn các bộ sách như Quốc văn toàn tập, Việt ngữ tân thư, Tân Việt văn… nên văn minh của tiếng Việt đã là niềm đau đáu. Đến nay, ông đã là tác giả của khoảng 11 tập thơ văn và 15 tập sách nghiên cứu văn hóa.
Lý do viết sách này nghe cũng nhẹ nhàng: "Chúng tôi nghiêng về sự suy nghĩ, đúc kết có tính cách phổ thông của giới bình dân hơn là tính cách nho phong của hàng quân tử ở giới thượng lưu và có tính cách uyên bác của các vị khoa bảng hiện đại. Bởi vậy chúng tôi không dám cả quyết định nghĩa, mà chỉ xét nghĩa, xem thử "ăn" là sao, "uống" là sao, thế nào là "cười", thế nào là "nói", tiếng đời bàn luận tới đâu, thương và ghét, khen và chê…".
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 20/10/2013)
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn