Ở Hoa Kỳ, thực phẩm chế biến được bày bán trong nhà hàng hay ngoài đường phố, phải được giữ ở nhiệt độ dưới 410F (50C), hoặc phải luôn luôn giữ nóng trên 1450F (630C), nhằm ngăn chặn vi trùng phát triển, gây bệnh cho người dùng. Nếu không, thực phẩm đó phải bị hủy bỏ sau 4 giờ. Đây là luật.
Cũng tại Hoa Kỳ, thực phẩm chế biến tại nhà, như bánh sinh nhật, mứt kẹo… không được phép bán ra ngoài, dù là cung cấp cho đám tiệc. Muốn bán, nhà phải có “bếp thương mại”, nghĩa là phải theo tiêu chuẩn và bị kiểm tra vệ sinh an toàn như nhà hàng, hãng chế biến. Đây là luật.
Mà luật của Hoa Kỳ thì thực thi nghiêm lắm, không làm theo phong trào, không thông cảm hay phong bì gì cả. Nhưng không phải vì vậy mà nhà cầm quyền không quan tâm đến nhu cầu thực tế của người bán hàng hay người tiêu thụ, dù đó là sắc dân nhỏ bé như người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng Hợp chủng quốc.
Bánh chưng, bánh tét hay bánh trung thu là sản phẩm truyền thống của dân Việt. Nếu để những thứ này trong tủ lạnh hay phải hấp thường xuyên thì còn gì là hương vị truyền thống. Người dân phản ứng thông qua các vị dân cử của họ. Bộ Y tế California phải nghiên cứu vấn đề này, và năm 2006, thống đốc tiểu bang đã ký ban hành luật AB 2214, gia tăng thời hạn bày bán cho các loại bánh trên.
Không phải tất cả thực phẩm nào chế biến tại nhà cũng đều cần tới “bếp thương mại” mới an toàn, như mứt, bánh nướng, cà phê, giấm… Người dân đã vận động với các nhà khoa học để xác nhận vấn đề an toàn, và thông qua các vị dân biểu để lên tiếng. Năm 2012, tiểu bang California ban hành luật về “Thực phẩm sản xuất tại gia” (CHFA – The California Homemade Food Act), nhưng người chế biến phải theo học lớp về cách chế biến an toàn thực phẩm.
Nhà cầm quyền sẵn sàng điều chỉnh luật để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân làm ăn, kiếm tiền, nộp thuế, và tiêu xài. Họ hỗ trợ để giới kinh doanh thực hiện đúng luật, chứ không phải ra luật chỉ để đi kiểm tra và phạt. Mục tiêu cuối cùng của họ là an toàn thực phẩm cho người dân phải được bảo đảm.
Hơn nữa, trình độ hiểu biết về an toàn thực phẩm của dân chúng Hoa Kỳ cũng khá cao, cho nên khi mua thức ăn là họ lựa chọn, đọc nhãn kỹ càng. Hầu hết đều nhớ câu “you are what you eat” hoặc “bệnh tùng nhập khẩu”.
Việt Nam có luật An toàn Thực phẩm. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, và cũng có nhiều đề nghị gửi đến cơ quan hữu trách, nhưng từ mấy chục năm nay tình trạng mất an toàn về vệ sinh thực phẩm của người dân càng ngày càng thê thảm. Vì sao?
Chúng tôi nhớ rằng trên tường của đại học y khoa danh tiếng Stanford tại Palo Alto, Hoa Kỳ, có một câu khuyến cáo đáng đồng tiền bát gạo: “Phòng bệnh là công việc của mọi người, chữa bệnh là công việc mà bệnh nhân và bác sĩ cùng làm”.
Thì trong an toàn thực phẩm, dân chúng cũng cần hợp tác với nhà chuyên môn về vấn đề này. Hiểu biết về an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình mình.
Người ta thường nói: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”. Mà trong sự ăn để sống đó, nếu chúng ta biết lựa món ăn nào có lợi cho cơ thể thì đó là điều hợp lý.
Sách về An toàn Thực phẩm của Vũ Thế Thành được viết với một lối văn khá giản dị, dễ hiểu, nhiều khi dí dỏm khiến người đọc mỉm cười khoái trá. Hy vọng tập Ăn Để Sướng Hay Ăn Để Sợ? sẽ thỏa mãn được phần lớn nhu cầu của độc giả.
Mời bạn đón đọc.