Cuốn tiểu thuyết Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? mở ra với những ký ức ngọt ngào, cô bé Wan-suh tám tuổi, sống yên vui trong sự yêu thương bảo bọc của đại gia đình ở thôn Parkjeol. "Cánh đồng làng trải rộng tựa như tấm váy rực rỡ nhiều màu sắc… Cả một vùng đất trồng trọt rộng lớn chưa từng biết mất mùa là gì…" Nơi ấy, cất giữ những năm tháng êm đềm, trong trẻo nhất của thời thơ ấu. Những trò chơi vô tận với bạn bè, đi nhà xí, vớt tôm sú, tắm mưa, lễ lên đồng với các mudang (thầy tế) có thể đi thoăn thoắt trên những lưỡi dao và canh bánh teok ngon lạ thường…
Mọi việc thay đổi khi mẹ dẫn Wan-suh lên Seoul với ước mơ khiến cô bé trở thành một "thiếu nữ tân thời". Những biến cố liên tiếp xảy đến, hai anh em cùng mẹ phải chuyển hết nơi này đến nơi khác, chịu đựng sự khốn khó và dè bỉu của mọi người đối với dân nhập cư…
Nền của câu chuyện là chiến tranh. Sự đô hộ của Nhật Bản, nội chiến Bắc – Nam không hiện lên bằng sự kiện năm tháng, mà bằng cảm xúc, đi xuyên qua thân phận những con người. Chiến tranh in dấu lên tâm hồn của cô bé Wan-suh, cô bị đem đi bêu riếu, bị coi như "sâu bọ", anh Wan-suh bị bắt đi rồi sau đó trở về bộ dạng tàn tạ, chú út bị tử hình… Trong hoàn cảnh nhiễu nhương của những cuộc chiến, dường như số phận của một con người, một gia đình và của cả một dân tộc "chỉ có thể thả mình trôi theo định mệnh đã an bài."
Những điều đẹp nhất còn lại là những ký ức lung linh, tươi sáng: ngọn núi nhỏ sau nhà với cây sing-a, thung lũng hoa linh lan, đám cưới của anh trai, các nàng dâu quây quần làm bát giấy… Ai đã lấy đi những khung cảnh thiên nhiên đẹp dường vậy? Ai đã phá vỡ sự đầm ấm yên vui của một gia đình? Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?
Cuốn tiểu thuyết "viết hoàn toàn dựa vào ký ức", dựa trên những câu chuyện nhỏ nhặt, giản dị mà chạm đến những nơi chốn sâu thẳm nhất trong mỗi con người.
Tác giả Park Wan-suh (1931 – 2011) bắt đầu cầm bút ở tuổi 40 nhưng đã cho thấy một khả năng sáng tác sung mãn khi sở hữu khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, cùng hàng loạt giải thưởng uy tín: "Giải thưởng văn học Lee San" (1981), "Giải thưởng văn học Đại Hàn Dân Quốc (1990)… Và trên hết, đó vị trí một tác giả nữ hàng đầu trong lòng mọi lứa tuổi độc giả.
Sau "Khi hoa kiều mạch nở" (Lee Hyoseok), "Người ăn chay" (Han Kang)… "Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?" với bản dịch của Nguyễn Lệ Thu (NXB Trẻ ấn hành) đã mang văn học Hàn Quốc đến gần hơn với khán giả Việt Nam.
HOÀNG MAI.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn