Phương Đông huyền bí là cụm từ người ta hay nhắc đến khi nói đến châu Á bởi những đặc sắc văn hóa thâm trầm và tinh tế. Nếu như văn hóa phương Tây phô diễn và có thể dễ dàng nhìn thấu thì văn hóa phương Đông ngược lại, huyền hoặc giữa thế giới của tinh thần và vật chất. Vì thế cảnh sắc phương Đông và châu Á nói riêng cũng mang tinh thần này. Đặc biệt là những cảnh quan, công trình kiệt tác do con người tạo nên. Cùng với tinh thần đó chúng trường tồn với thời gian và trở thành những thông điệp của nhân loại. Nền văn minh nhân loại cổ xưa hiện hữu trên những bức tường rêu phong của Angkor Wat – Angkor Thom, thành phố cổ Byblos, Bagan, Bukhara,… Khu lăng mộ Goguryeo, thành cổ Jerusalam, kinh đô cổ Polonnaruwa, Sukhothai, Hội An, cố đô Huế, Lệ Giang…; Niềm tin vào con người, vào thế giới, vũ trụ vào quyền lực vạn năng cũng như sức mạnh vĩ đại của con người hiện hữu trên những khu thánh tích Mahabalipuram, Anuradhapura, quần thể đền đài Borobudur, Pulguksa, Chion – in, chùa Kyaikhtiyo, Haeinsa, Ngọc Xanh,…; Tình yêu chung thủy lớn lao hiện hữu ở Taj Mahal; Tình yêu thiên nhiên, giao hòa với tự nhiên hiện hữu trong những khu công viên cổ xưa như Di Hòa Viên,… đến những cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú mà những thay đổi kiến tạo của vũ trụ, địa chấn đã dành cho châu Á như thung lũng Orkhon, hồ Baikal, núi Phú Sĩ, Kim Cương, Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Mạc Cao,…
Là châu lục đứng thứ hai thế giới về số lượng các thắng cảnh, công trình, di tích được xếp vào danh mục Di sản văn hóa của UNESCO; đây thực sự là điểm du lịch không chỉ hấp dẫn đối với người châu Á mà còn là điểm đến của mọi du khách trên thế giới. Là nơi hội tụ đủ các loại hình du lịch, từ du lịch tự nhiên đến du lịch nhân văn, từ du lịch biển đến du lịch rừng, đồi và các công trình kiến thức độc đáo; từ những điểm du lịch nên thơ, kỳ thú của những cảnh sơn thủy hữu tình đến những điểm du lịch mạo hiểm, …, châu Á thực sự là điểm đến lý tưởng cho mọi du khách.
Trong cuốn sách này có những thắng cảnh nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả Úc và Châu Đại Dương, đồng thời một số nước (Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) ở vị trí địa lý giáp ranh giữa hai châu (châu Á và châu Âu) thì những thắng cảnh nào nằm ở địa phận châu Á cũng được lựa chọn. Đồng thời, thứ tự các thắng cảnh được sắp xếp theo vần A, B, C của tên nước chứ không phải đánh dấu theo giá trị thang bậc của thắng cảnh, các thắng cảnh ở đây không hề có sự so sánh, đánh giá và xếp bậc.
Mời bạn đón đọc.