99 Phờ-Răng (Quảng Cáo):
Tại sao lại là “99 Phờ-răng”? 99 phờ-răng là giá tiền của cuốn sách bán trong các cửa hàng ở Pháp và sau khi liên minh châu Âu dùng đồng tiền chung thì tên cuốn sách được đổi thành 14,99 euro. Trong “99 Phờ-răng” là một cuộc đời, cuộc đời của Octave – nhân vật chính và được coi là hình bóng của chính tác giả Frederic Beighbeder.
Bạn đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi về thế giới quảng cáo, thế giới của những câu slogan ấn tượng, những clip quảng cáo gây nhiều tranh cãi, những con người thông minh, sáng tạo với mức lương ngất ngưỡng. Nhưng, phía sau cái ánh hào quang giả tạo đó là những trăn trở, dằn vặt, là sự sám hối của nhân vật, một chuyên gia quảng cáo thành đạt nhưng nổi loạn trong tâm hồn, một mẫu người trẻ sành điệu, trí tuệ nhưng bế tắc, cô đơn trong cuộc sống, tình yêu và đặc biệt ác cảm với chính nghề nghiệp của mình – một nghề đầy uy lực, ma thuật nhưng lại rất trơ trẽn, bịp bợm.
“99 Phờ-răng” là một cuốn sách châm biếm, mỉa mai ngành công nghiệp quảng cáo, trong đó tác giả bộc lộ cái nhìn không khoan nhượng về thế giới điên cuồng và đầy nghịch lý, nơi tất cả mọi người khinh bỉ nhau và tiêu phí những giá trị tốt đẹp của con người. “99 Phờ-răng” là cái tát đối với xã hội phương Tây hiện đại, là sự giễu cợt xã hội tiêu thụ với một trong những cái lò xo chính của nó là quảng cáo.
“99 Phờ-răng” đã được đạo diễn Jan Kounen dựng thành phim và chỉ trong mấy tháng từ khi công chiếu ở châu Âu ngày 26/9/2007, bộ phim đã thu hút được 12 triệu đô la tiền bán vé.
Frederic Beigbeder viết “99 Phờ-răng” như thể để trả thù những năm tháng dối lừa mà anh đã cống hiến cho xã hội tiêu thụ. Năm 2000, sau khi “99 Phờ-răng” được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm, Frederic Beigbeder đã buộc phải giã từ nghề quảng cáo để rồi dấn thân vào một nghề đầy thú vị nhưng cũng đầy thách thức: viết tiểu thuyết.
Mời bạn đón đọc.