451 độ F đưa người đọc tới những năm cuối của thế kỷ 21. Trong xã hội giả tưởng đó, cuộc sống bị bủa vây bởi các thiết bị hiện đại. Mọi nhu cầu thiết yếu của con người đã có những robot thông minh đảm nhiệm. Việc cần làm chỉ là cài đặt chương trình và nhấn nút. Trong khi đời sống vật chất được nâng lên mức tối đa, đời sống tinh thần lại tụt dốc thảm hại. Đó là một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương không được ai coi trọng. Nơi đó, những thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng bị ruồng rẫy. Tàng trữ sách được xem là một hành động bất hợp pháp và người ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè. Nhiệm vụ của những người lính không phải là cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…
Một lần, Montag gặp gỡ Clarisse – cô gái trẻ bị xem là nổi loạn và điên rồ. Không giống mọi người xung quanh, cô là người duy nhất biết dừng lại để cảm nhận những thay đổi nhỏ của cuộc sống, chơi đùa với đóa bồ công anh hay ngắm nhìn màu sắc bầu trời. Cùng thời điểm đó, Montag thấy chán nản và hụt hẫng trước lối sống vô cảm và thờ ơ của Mildred – vợ anh. Cô là nô lệ của công nghệ và truyền thông. Thay vì đến nhà thăm hỏi những người họ hàng, Mildred nói chuyện với họ qua màn hình lớn. Montag đã tự hỏi liệu có khi nào anh cần đến tần số vô tuyến để nói chuyện với vợ mình không?Tuy nhiên, khi mọi người cho phép mình cuốn theo dòng chảy hỗn độn của xã hội, Guy Montag lại luôn hoài nghi về bản chất thế giới mà anh tồn tại. Suốt mười năm là lính phóng hỏa, Montag gây ra hàng trăm vụ hỏa hoạn, đốt cháy hàng nghìn cuốn sách. Lửa và những vụ hỏa hoạn trở thành điều quen thuộc với anh. Cho tới lúc anh chứng kiến những con người liều chết để bảo vệ các cuốn sách của mình, bảo vệ tri thức và giá trị mà họ tôn sùng như một đức tin, suy nghĩ của anh thay đổi.
Xã hội mà Montag sống chỉ là một vỏ bọc giả dối dựng lên bởi giới truyền thông và chính trị. Trong lòng nó ẩn chứa một sự bất ổn và nguy hiểm đến tột độ. Mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Khi nhận ra điều đó, anh có ý định thay đổi tất cả. Nhưng sức lực của anh và những người cùng chí hướng quá yếu ớt, không thể chống lại một thế giới rộng lớn đang khuất phục để làm nô lệ cho giới truyền thông. Những gì Montag nhận về chỉ là sự thất vọng.
Bằng văn phong giản dị, trí tưởng tượng phong phú cùng triết lý sâu sắc đan cài hợp lý, Ray Brandbury tạo nên một câu chuyện mới lạ, hấp dẫn với người đọc. Khi 451 độ F ra mắt lần đầu năm 1953, tác giả không ngờ được tính tiên tri khủng khiếp của cuốn tiểu thuyết này. Thế giới mà ta đang sống ngày hôm nay khá giống với những gì Ray Brandbury mô tả. Một nền văn minh hiện đại phụ thuộc quá nhiều vào truyền thông và công nghệ. Bởi lẽ đó, dù viết từ cách đây hơn sáu thập kỷ, 451 độ F vẫn còn giữ nguyên tính thời sự. Tờ The New York Times nhận xét: “Xuất sắc… Tài tình, khiến ta phải sửng sốt… Brandbury đã miêu tả cuốn hút về thế giới điên khùng này, cái thế giới có nhiều điểm tương đồng đến mức đáng báo động”.
Ray Brandbury là nhà văn nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ về thể loại tiểu thuyết kinh dị, giả tưởng, phản địa đàng. Ngoài 451 độ F, ông còn một số tác phẩm nổi tiếng khác như: The Martian Chronicles, The Illustrated Man. Bên cạnh viết tiểu thuyết, ông tham gia tư vấn kịch bản cho nhiều phim nổi tiếng. Trong suốt quãng đời sáng tác, ông đã nhận giải Pulitzer, hai giải Emmy, được gắn một ngôi sao trên Đại lộ Danh Vọng của Hollywood và được đích thân cựutổng thống Mỹ G.Bush trao Huân chương Nghệ thuật Quốc gia tại Nhà Trắng.
Tại Việt Nam, 451 độ F được Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam phát hành đầu năm 2015.
Quỳnh Anh
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn