Xem sách hay

3 – 1 = Mấy? (Tái Bản 2018)

Mua ở đâu?
Chu Đức Đông

Chu Đức Đông, sinh năm 1967, quê gốc ở Qiqihar, tỉnh Hắc Long Giang, hiện sống tại Bắc Kinh.Anh được mệnh danh là “Đệ nhất tiểu thuyết kinh dị Trung Quốc” và cũng là một trong những nhà văn kinh dị đầu tiên của nền Văn học đương đại ở đất nước này.Chu Đức Đông …

Đêm đó, thị trấn nhỏ Tuyệt Luân Đế mất điện, nhân vật chính Trương Cổ chạy đến hỏi anh bạn trực trạm điện là Phùng Kình về nguyên nhân mất điện, nhưng anh chẳng nhận được câu trả lời mình cần mà kì lạ là anh bạn kia lại hỏi lại Trương Cổ một câu rất khó hiểu: “Ba trừ một bằng mấy?”. Khi về nhà, Trương Cổ bất chợt gặp một đứa bé trai chỉ độ một tuổi ngồi bơ vơ ven vệ đường. Trương Cổ thấy lạ, vì đêm hôm thế này, ai lại bỏ con nhỏ ở đây, càng lạ hơn là thằng bé không khóc mà chỉ nhìn chằm chằm vào anh. Trương Cổ ái ngại nhưng quyết định không bế đứa bé ấy theo mà cứ để nó ngồi đó rồi về báo cho mọi người trong thị trấn biết. Thấy đứa trẻ tội nghiệp, có người dân trong thị trấn tình nguyện đem nó về nuôi, nhưng cùng với sự có mặt của đứa trẻ, một loạt những sự việc bí ẩn và đáng sợ đã xuất hiện trong thị trấn…

Lẽ nào đứa bé chính là người gây ra những điều bí ẩn đó? Phùng Kình thật sự là người thế nào? Tại sao anh ta lại hỏi Trương Cổ câu hỏi khó hiểu đó? Câu đó mang ẩn ý gì? Để làm sáng tỏ những khúc mắc đó, Trương Cổ đã bất chấp hiểm nguy để tìm kiếm đáp án, mà khi đã dấn thân, chính anh cũng khó lường trước được: liệu mình có sống sót để đến đích hay không?

Cảm nhận của độc giả

Câu hỏi 3-1=? xét trên lô gic toán học, đáp án chắc chắn bằng 2. Nhưng bên trong nó vẫn còn một ẩn ý sâu sa. Tác giả không đưa ra câu trả lời chính xác, mà thông qua các tình tiết của câu chuyện để gợi mở cho độc giả. Còn đáp án thực sự là thế nào? Đó tùy vào suy ngẫm và sự lý giải của từng người.

Trong tác phẩm có một tình tiết, người mẹ mang tam thai, nhưng có một đứa trẻ bị chết yểu ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Sau này, một trong hai đứa trẻ ra đời khỏe mạnh còn lại đã giết hại chính anh em ruột của mình rồi rạch bụng mẹ tự vẫn trong đó. Như vậy, câu hỏi lẽ ra phải là 3-3, sao lại là 3-1?

Chuyện Chu Đức Đông kể không phải là chuyện ma, mà là câu chuyện về một loại người đặc biệt, là một “Đứa trẻ không bao giờ lớn”, hoặc bao gồm cả những con người mang vóc dáng của một người trưởng thành, nhưng nhận thức, suy nghĩ lại phát triển méo mó, không lành mạnh. Vì sao lại nói “đứa trẻ không bao giờ lớn” là kẻ có trí tuệ và tâm hồn không trưởng thành? Là vì ở loại người đó, ngoài tính dục ra thì không hề có đạo đức, tư duy của một người trưởng thành, hay tựu chung lại là nhân cách của loại người này phát triển không lành mạnh. Nếu coi nhân cách lành mạnh, hoàn thiện là một có giá trị bằng 3, thì khi trừ  đi 1liệu nó sẽ còn lại một kết quả như thế nào? Có thể là một phần “con người” nào đó, hoặc có thể chẳng còn gì.

Trong hành trình đi tìm ẩn số của chuỗi sự kiện kì quái, Trương Cổ đã nói đến một khái niệm, đó là “virus cơ thể mẹ”. Với một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới sinh ra thì thứ virus tiêm nhiễm vào cơ thể nó chính là sự tổn thương trước những bất hạnh, nghiệt ngã của số phận, khiến nó bất mãn, đó cũng chính là nguồn cơn của những suy nghĩ lệch lạc và tội ác. Khi người mẹ bỏ rơi đứa trẻ đó, cũng chính là bà ta đã trừ đi một phần máu mủ của mình, trừ đi một phần trong nhân cách của mình, trừ đi một hạnh phúc của con mình. Cổ nhân thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhưng cũng có người nói ngược lại rằng trẻ con chính là ác quỷ, bởi trẻ con vốn dĩ là những người ích kỷ, ác độc, nếu không nhận được sự dạy dỗ đúng đắn từ cha mẹ, chúng sẽ không phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Từ đây cho thấy trách nhiệm dưỡng dục của các bậc phụ huynh thật quan trọng với con trẻ biết nhường nào.

Câu chuyện kết thúc bằng cảnh “Đứa trẻ không bao giờ lớn” đã giết chính mẹ ruột của mình để mổ bụng bà ta ra, rồi chui vào trong đó. Đối với người đàn ông 34 tuổi sống trong vỏ bọc của một đứa trẻ này thì đó là lôgic của anh ta, vì không được xã hội tiếp nhận, nên người đàn ông này nhìn cuộc đời bằng con mắt hận thù và chỉ muốn trả thù xã hội. Tác phẩm là vở bi kịch cuộc đời của “Đứa trẻ không bao giờ lớn”. Nó khiến con người ý thức rằng cần cẩn trọng với mỗi hành vi của mình, tránh gây tổn thương cho người khác, vì nếu một con người thường xuyên bị tổn thương hoặc bị tổn thương trong một thời gian dài thì thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng xấu, một ngày nào đó những suy nghĩ oán hận, kích động, tiêu cực… sẽ biến họ trở thành ác quỷ!

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?