Xem sách hay

12 Năm Nô Lệ – Tái bản 06/2014

Mua ở đâu?
Solomon Northup

Solomon Northup (1808-1863?) là một người da đen tự do sống dưới thời nước Mỹ vẫn còn duy trì chế độ nô lệ ở một số bang miền Nam. Ông từng là một nông dân, biết làm mộc và là một tay kéo vĩ cầm cừ khôi có sở hữu đất tại Hebron, New York.Năm 1841 ông bị bắt cóc và …

12 năm nô lệ – câu chuyện có thật về Solomon Northup, một công dân tự do của New York, bị bắt cóc làm nô lệ tại thành phố Washington năm 1841, và được giải cứu từ một đồn điền trồng bông ở tiểu bang Louisiana năm 1853.

Chuyện do chính Solomon thuật lại, với sự chắp bút của David Wilson. Giữ vai trò đồng hành cùng Solomon trên dòng hồi tưởng ấy, David thổ lộ: “Chúng tôi tin chuyện kể về trải nghiệm của ông nơi nhánh sông Con Bò sẽ xây nên một bức tranh đúng đắn về Chế độ nô lệ, trong hết thảy sáng tối của nó, như chế độ ấy thực đang tồn tại trên vùng đất đó. Không bị chệch lạc đi, theo ông quan niệm, vì bất cứ ấn tượng sẵn có hay định kiến nào, tôn chỉ duy nhất của người biên tập là trao đi một chuyện đáng tin cậy về cuộc đời Solomon Northup, đúng như chính mình nghe ông kể”.

Mười hai năm không hẳn là quãng đường dài với một đời người tự-do, nhưng chắc chắn là ngàn thu đối với phận số nô-lệ.

12 năm nô lệ
đi theo trật tự tuyến tính thông thường; những lời kể – dẫu được một nô lệ có ăn học đàng hoàng cất lên – cũng không lấy gì làm cầu kì, hoa mĩ, trái lại, rất mộc mạc và lắm lúc “dông dài” như cái lối truyền khẩu xưa nay của người bình dân. Câu chuyện đẹp vì lẽ khác, vì tâm ý sao mà chân thành, xúc cảm sao mà thống thiết khiến ta những muốn khóc cười theo. Solomon Northup – nhân vật chính, đồng thời là tác giả cuốn sách – không chỉ thương thân mình trong cảnh bị câu thúc mà còn day dứt trước đời sống tủi nhục, thê thảm của các anh chị em tôi đòi khác; không chỉ ngồi đó sùi sụt oán than mà đã đôi lần phản kháng tới nơi tới chốn; hơn nữa, không chỉ dám phản kháng mà còn biết nương tay trước mạng sống của kẻ đang áp bức mình. Tất thảy làm nên cái “tầm” cho câu chuyện, dĩ nhiên không ở khía cạnh khát khao tham vọng gì to tát, nó xuất phát từ chữ “tâm” thôi.

Phần kết có cảnh Solomon ngồi trên xe toan vẫy tay từ giã các bạn hữu nô lệ nhưng vó ngựa lại thình lình rẽ ngoặt khiến họ khuất khỏi tầm mắt. Đọc mà rơm rớm… Hẳn nhiên, Solomon chưa từng có ý nhào nặn một nhân vật anh hùng – người bứt tung xiềng xích giải phóng cho nòi giống. Cố công tự giải thoát mình, nài xin sự đoái thương, giúp đỡ từ những đấng cao hơn mình, với ông vậy là đủ!

Khi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ khánh thành tượng Thần Tự do năm 1886, không biết có ai chợt nhớ về Chế độ nô lệ, chợt thấy dư ảnh của nó – “cái thiết chế quái gở” gần năm mươi năm trước Solomon Northup phải trải qua, nguyên nhân gây ra nội chiến hai miền Nam, Bắc.

Solomon Northup đâu muốn kể chi ngoài sự thật, song chính sự thật đó đã khơi mở cảm hứng cho những tiểu thuyết nổi tiếng như Túp lều của Bác Tom. Không quá lời khi nói, nếu Solomon còn sống, hẳn Nelson Mandela – người đấu tranh không nguôi nghỉ cho Tự do, Bình đẳng – sẽ tìm tới bắt tay ông, bởi nước Mỹ hay bất cứ nơi đâu trên thế giới đều thuộc về tất cả những ai sống ở đó, dù Trắng hay Đen.

Người đương thời đọc 12 năm nô lệ và quý trọng cái công minh của một nô lệ đã nhìn ra những ông chủ tốt – ông chủ xấu; trên hết thảy để thấy Chế độ nô lệ phải qua đi, đã qua đi như một dấu chấm kết trong lịch sử.

Mời bạn đón đọc.


“12 năm nô lệ” – Sự phản kháng không hận thù

Cuốn sách về chế độ nô lệ tại miền Nam nước Mỹ những năm nội chiến là một tiếng hét phản kháng dữ dội, nhưng cũng đầy tình yêu thương không nhuốm hận thù.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?